Saturday, November 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững rào cản đối với DN Việt

Những rào cản đối với DN Việt

Qua hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải nước ngoài, dữ liệu giao thông của Việt Nam bị lọt ra ngoài lãnh thổ. Nếu không làm chủ được công nghệ số, nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Doanh nghiệp Việt Nam mong Nhà nước, Chính phủ cùng đồng hành để phát triển hệ sinh thái số thuần Việt.

Tham luận tại “Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2020”, bà Nguyễn Hoàng Phương – CEO Be Group – đã đưa ra đánh giá về tầm quan trọng của liên minh doanh nghiệp Việt trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Theo bà, tự thân phát triển là cách tốt nhất để gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số bằng những sản phẩm Make in Vietnam thay vì “nhường chỗ” cho các doanh nghiệp nước ngoài.

“Người Việt Nam phải làm chủ công nghệ, dữ liệu số của Việt Nam, không thể để công cuộc chuyển đổi số của quốc gia bị thao túng bởi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ Việt phải đoàn kết với nhau mạnh mẽ hơn để tạo hệ sinh thái số thuần Việt, đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra thế giới” – bà Phương nhấn mạnh.

Trong thập kỷ thế giới biến động không ngừng, sự phát triển công nghệ, ứng dụng kinh tế chia sẻ đã tạo nên một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp truyền thống. Thành tựu công nghệ được áp dụng rộng rãi, thay đổi hoàn toàn cách thế giới đang vận hành cũng như thói quen của loài người, xóa tan biên giới về mặt vật lý. Bên cạnh những thuận lợi không thể phủ nhận, đại diện start-up thuần Việt cũng nhìn nhận được những thách thức, rủi ro tiềm ẩn nếu gặp khó khăn trong việc làm chủ công nghệ.

Cụ thể, bà Nguyễn Hoàng Phương đưa ra 5 rào cản chính khiến các doanh nghiệp Việt chưa giành được lợi thế trước doanh nghiệp ngoại:

Thứ nhất, cơ chế thử nghiệm sandbox với thời gian kéo dài đã tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh trong nước và nước ngoài.

Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng thâu tóm thị phần, nhằm xây dựng thị trường độc quyền, vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh.

Thứ ba, Luật thuế hiện nay đang không theo kịp sự phát triển doanh nghiệp thời đại mới, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để làm thất thu ngân sách nhà nước.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ hàng năm nhưng thực tế đang tăng trưởng vượt bậc.

Thứ năm, hành lang pháp lý về dữ liệu, bảo vệ người dùng, bảo vệ dữ liệu giao thông tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Dữ liệu người dùng, dữ liệu đường sá, giao thông của Việt Nam có nguy cơ lọt ra ngoài lãnh thổ khi các doanh nghiệp nước ngoài vận hành hệ thống.

“Đó là lý do vì sao Việt Nam cần có những hệ sinh thái mở của riêng mình ” – CEO be Group nhấn mạnh.

Nhà nước cần vào cuộc, ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp thua trên sân nhà

“Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đang được kinh doanh trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước một cách dễ dàng. Tuy mang đến cho Việt Nam những giá trị trước mắt, ngắn hạn nhưng lại lấy đi của chúng ta rất nhiều giá trị lâu dài, giá trị mang ý nghĩa chiến lược và thiết yếu của một quốc gia. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đứng lên tự làm chủ công nghệ, tự xây dựng phát triển nền tảng cốt lõi, chúng ta có khả năng thua ngay trên sân nhà” – bà Phương nêu rõ.

Đứng trước thách thức lớn, bà Phương cho rằng ý chí của doanh nghiệp chưa đủ để xây dựng hệ sinh thái số, đóng góp nền tảng mở phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cùng vào cuộc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển, mở rộng thị phần, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài bằng chính nội lực doanh nghiệp.

Trong bối cảnh doanh nghiệp nước ngoài tạo nhiều áp lực lên người tiêu dùng, đại diện Be Group mong Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn nữa để quản lý, đồng thời gia tăng lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Về nguy cơ rò rỉ dữ liệu, bà Phương cho rằng việc bảo đảm an toàn an ninh dữ liệu người dùng, dữ liệu quốc gia cũng còn nhiều vấn đề khi các dữ liệu về người dùng, giao thông được lưu trữ và báo cáo ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bà đề xuất Chính phủ có phương án cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp và luật hóa việc kiểm soát dữ liệu người dùng và thông tin giao thông, hạ tầng vì đó là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ.

“Chủ trương Make in Vietnam đã tạo nên một vườn ươm công nghệ, nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp khi bước ra khỏi cuộc thi sẽ được hỗ trợ, để mầm cây có thể biến thành đại thụ, để vườn ươm trở thành rừng. Làm thế nào để các doanh nghiệp kết hợp với nhau, tạo nên sức mạnh tự thân để phát triển Việt Nam hùng cường” – đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Kết luận vấn đề, bà Phương nhận định rằng cốt lõi của chuyển đổi số quốc gia không chỉ là công nghệ mà còn nằm ở thói quen của người dùng cũng như sự ưu ái cho những sản phẩm thuần Việt. Qua đó, bà khuyến khích mỗi người dân Việt Nam “biến những điều bàn luận ngày hôm nay thành thói quen, lựa chọn của mỗi người”. Bởi theo bà, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng mới có thể giúp chúng ta không phải phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, biến ước mơ tự thân chuyển đổi số thành hiện thực theo tiếng gọi của Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới