Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao DN công nghệ Việt thua trên sân nhà

Vì sao DN công nghệ Việt thua trên sân nhà

Nếu không chủ động nắm bắt công nghệ, tự tin thiết kế, sáng tạo trong quá trình tạo ra sản phẩm thì doanh nghiệp Việt cũng không được bình đẳng mặc dù đang cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số – Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam” – vừa diễn ra hôm nay (23/12), tại Hà Nội.

Trước đại diện cộng đồng công nghệ Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, sau gần một năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.

“Make in Vietnam” trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới ngày càng nhỏ lại, có nhiều biến động và cũng nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cả an toàn, an ninh mạng. Điển hình, dịch bệnh COVID-19 thậm chí đã có thể làm đảo lộn thế giới, nhiều ngành sản xuất phải mất nhiều năm mới quay lại được trạng thái như trước đây.

“Và thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, dù không phải là nước đứng đầu thế giới về trình độ y tế, là bởi vì chúng ta biết mình đang ở đâu trên bản đồ y tế thế giới, biết được điểm mạnh, hạn chế của ngành y tế, hệ thống quản trị xã hội để có những giải pháp đúng, nhanh và kịp thời từ sự đóng góp, tổng hợp của đông đảo ý kiến chuyên gia và cả những người không làm về y tế” – Phó Thủ tướng chia sẻ.

Ông khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, sự thôi thúc người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, để chủ động, sáng tạo ra những giải pháp công nghệ, thiết kế những sản phẩm mới có chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.

Việt Nam có quyền tự tin để phát triển và thực hiện chiến lược về công nghệ. “Chúng ta không lạc quan ‘tếu’ nhưng nếu có tự tin và đồng lòng thì có thể làm được” – Phó Thủ tướng nhận định.

Tự tin dùng các giải pháp Make in Vietnam để phát triển

Theo ông Vũ Đức Đam, một trong những điểm Việt Nam có thể tự tin là sự phát triển mạnh mẽ trong giáo dục và chỉ số sáng tạo. Dù chúng ta không hài lòng giáo dục nước nhà nhưng trong con mắt thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn rất tốt, giáo dục phổ thông tiếp cận chuẩn giáo dục của OECD, giáo dục đại học từng bước nâng hạng. Các chỉ số khác trên bảng xếp hạng quốc tế như thu nhập bình quân, GDP, chúng ta đều đứng thứ 70 – 80, nhưng chúng ta có chỉ số giáo dục khá cao, đặc biệt đổi mới sáng tạo luôn nằm trong top 50. Với các dẫn chứng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam có thể tự tin về giáo dục và sáng tạo để phục vụ sự phát triển công nghệ.

Tinh thần này sẽ luôn luôn được tiếp tục duy trì và lan tỏa. Trong thế giới ngày nay, Việt Nam hiện dân số đứng thứ 15 trên thế giới, chúng ta có khả năng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không chủ động nắm bắt công nghệ và tự tin thiết kế và làm ra sản phẩm của mình; sáng tạo bằng những cách làm của mình thì nhiều khi cạnh tranh trên sân nhà cũng không bình đẳng và trên thực tiễn đã cho thấy điều đó. Để giải quyết bình đẳng vấn đề trên có hai cách: Một là ngăn chặn; Hai là làm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói riêng từng bước lớn nhanh.

“Muốn đất nước phát triển nhanh hơn thì một trong những cách là phát triển công nghệ thông tin. Công nghệ chưa cần hoàn toàn của Việt Nam nhưng mô hình và giải pháp thì phải của riêng Việt Nam. Chúng ta không tham vọng làm chủ toàn bộ công nghệ nhưng chúng ta phải có giải pháp của mình. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, mà phải lan tỏa ra toàn xã hội.

Chính phủ sẽ đóng vai trò là khách hàng lớn nhất, ra đầu bài và làm chỗ dựa để doanh nghiệp mở giải pháp, mở dữ liệu, mở sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau… Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới