Hải quân Trung Quốc vừa tiết lộ trong năm 2020, quân nhân thuộc Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, đã tham gia cái gọi là nhiệm vụ đặc biệt thêm 110 ngày.
Trong các điều kiện bình thường, các thủy thủ thuộc Hạm đội Nam Hải kết thúc chuyến hải hành của họ vào tháng 9, nhưng khi các đồng đội chuẩn bị về nhà, nhiều người vẫn thực hiện cái gọi là nhiệm vụ đặc biệt thêm 110 ngày, theo tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn thông báo từ hải quân Trung Quốc trên WeChat.
“Sau 110 ngày làm việc cật lực ở vùng biển xa…cuối cùng họ mới trở về nhà”, hải quân Trung Quốc viết trên WeChat, nhưng không nói chính xác khi nào các thủy thủ hoàn tất chuyến hải hành của họ hay nơi họ hoạt động.
Ngoài ra, một nguồn thạo tin tiết lộ với SCMP rằng một số sĩ quan từ Hạm đội Nam Hải đã trải qua gần 300 ngày trên biển trong năm 2020. “Đó là vì tàu chiến Mỹ gia tăng cái gọi là hoạt động tự do hàng hải ở Nam Hải”, nguồn tin khẳng định. Nam Hải là tên Trung Quốc gọi Biển Đông
Mặt khác, nguồn tin cho rằng thủy thủ Hạm đội Nam Hải hoạt động trên biển nhiều hơn trước do Trung Quốc hạ thủy nhiều tàu chiến mới và cũng một phần do Covid-19 vì quân đội Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng việc hỗ trợ chính phủ chống đại dịch.
Chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh cũng nhận định việc hải quân Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông đã thúc hải quân Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột tiềm tàng và việc mở rộng thời gian phục vụ của binh sĩ cũng như thủy thủ sẽ giúp họ đạt khả năng “sẵn sàng tác chiến”.
Thực tế, trong thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động quân sự gây quan ngại ở Biển Đông, như phóng tên lửa đạn đạo tới vùng biển này và nhiều lần tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh cho rằng tình trạng hải quân Trung Quốc bị gia tăng áp lực là do lực lượng này phải thay đổi và tăng cường các chương trình huấn luyện để đáp ứng yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về quân đội hiện đại, theo SCMP.