Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Hòn bấc ném đi...”

“Hòn bấc ném đi…”

Vừa được ông Trump bổ nhiệm vị trí quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu tháng 12/2020, ông Miller lập tức to tiếng khẳng định liên minh Mỹ-Philippines đối với an ninh quốc gia khu vực và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác an ninh song phương lớn hơn nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Phát ngôn của ông Miler khiến Bắc Kinh nổi giận.

Bắc Kinh vốn đã khó chịu về việc chính quyền Philippines đang mặn mà với mình, bỗng dưng quay đầu đánh đu với Mỹ. Sự trở mặt thể hiện rõ nhất ở việc chính ông tổng thống Duterte, vừa đầu năm tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận thăm viếng quân sự với Mỹ (VFA), vốn được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất để Mỹ hiện diện quân sự tại khu vực Biển Đông, thì tới ngày đầu tháng 6/2020, lại ngãng ra, tuyên bố rằng: Nước này tạm hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận trên.

Cơn giận đó còn chưa nguôi, thì cũng chỉ sau nửa năm nữa, quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Miller, đã thông báo chuyển giao thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất trị giá 29 triệu USD cho Philippines, bao gồm thiết bị chống bom và súng bắn tỉa. Nếu chỉ có thế, cũng còn là biết điều. Nhưng thực tế thì không. Trước đó, hồi tháng 11/2020, Washington đã chuyển giao cho Philippines tên lửa, các loại vũ khí khác và máy bay không người lái ScanEagle với tổng trị giá 18 triệu USD. Bắc Kinh biết rõ, những động thái này nằm trong tính toán của Washington sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 năm nay chính thức tỏ thái độ khẳng định: Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp.

Chưa hết, cũng ông Mike Pompeo, trong dịp đó, còn nhấn mạnh thêm  rằng: Washington sát cánh cùng các đồng minh Đông Nam Á “trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi”. Thế nên, với chuyện chuyển giao một đống khí tài quân sự tối tân, nhiều triệu đô la vào cuối năm 2020 cho Philippines, Mỹ vẻ như định “tất toán” những hợp đồng, thỏa thuận vũ khí với một đồng minh chiến lược ở Đông Nam Á để lôi kéo các nước trong khu vực “xa Trung, gần Mỹ”, đồng thời, chứng tỏ với thiên hạ, trước hết, là với Trung Quốc, rằng: Mỹ nói là làm?

Không chỉ với Philippines, tháng 9/2020, Ngoại trưởng Pompeo đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với những đồng cấp thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tiếp đó, ông này thăm Việt Nam và Indonesia vào tháng 10/2020. Tại cả hai điểm dừng chân này, nhà ngoại giao Mỹ đều công khai đưa thêm những lời chỉ trích Trung Quốc gây nên căng thẳng ở Biển Đông.

Trở lại những động thái của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Miller đã có một hành động được coi là “thẳng thừng” tấn công trực diện Bắc Kinh qua lời khẳng định trong bài bình luận gửi báo chí Philippines rằng: “những hành động của Trung Quốc đang đe dọa những nguyên tắc mà thế giới tự do áp dụng”. Hàm ý của ông này là Trung Quốc, dù là thành viên tham gia, nhưng lại vi phạm Công ước LHQ về Luật biển 1982 – cơ sở để Tòa trọng tài (PCA) ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tháng 7/2017.

Cường quốc đang trỗi dậy tất chẳng thể nín nhịn trước chỉ trích của một kẻ ngồi chưa ấm chỗ chiếc ghế bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Đáp lại bài bình luận nói trên của Miller, đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Lệ Nhàn đã phản pháo bằng những ngôn chẳng mấy ngoại giao. Cụ thể, ông Hoàng Lệ Nhàn tuyên bố, bài viết nêu trên của Miller không “nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời gây xung đột và hoang mang trong khu vực” tại thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sắp kết thúc. Chưa hết, vị đại sứ này đổ nghiến không chút do dự rằng: “Chính Mỹ đã gia tăng các hành động gây hấn nhằm gây bất ổn Biển Đông và chi phối các nước khu vực để phục vụ chính trị trong nước cũng như phục vụ chương trình nghị sự địa chính trị của riêng mình”, đồng thời chỉ trích Mỹ đang tìm cách gây chia rẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc  và các nước ASEAN.

Cứ ngỡ những ngày cuối năm 2020, cũng là những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của ông Trump, vấn đề Biển Đông sẽ dịu đi phần nào. Vậy mà không. “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề này có phần còn gia tăng hơn với những cuộc khẩu chiến, cãi vã giữa hai bên.

Cuối năm đã thế. Liên quan vấn đề Biển Đông, một “điểm lành” cho năm 2021 tại khu vực này, ngay cả những người lạc quan nhất, cũng cảm thấy thật khó tin.

RELATED ARTICLES

Tin mới