Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ "mất điểm" trên trường quốc tế

TQ “mất điểm” trên trường quốc tế

Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế trong năm 2020 bị tổn hại nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và chiến lược “ngoại giao chiến lang” của nước này.

Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc

Theo SCMP, 2020 là một năm đầy thách thức cho Trung Quốc trên trường quốc tế. Nước này vướng vào căng thẳng với các nước lớn trong khu vực như Australia, Ấn Độ. Thêm vào đó, quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây cũng đối mặt với những “gập ghềnh”.

Giới quan sát nhận định, đại dịch Covid-19 với ca bệnh đầu tiên bắt đầu từ Trung Quốc, đã làm gia tăng mối lo ngại của các nước với tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Nhiều quốc gia đã đánh giá lại sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc cũng như vai trò của Bắc Kinh trong trật tự quốc tế mà Mỹ đang dẫn đầu.

Jacques deLisle, chuyên gia tại đại học Pennsylvania (Mỹ), cho rằng khi Trung Quốc trở nên mạnh hơn, Mỹ và các đồng minh tập trung vào những mối đe dọa mà Trung Quốc có thể gây ra.

“Chúng ta chưa ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng đó không còn là một kịch bản xa vời như cách đây không lâu”, ông deLisle cho hay.

Giới chuyên gia cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các lợi ích của họ như vài năm qua và để cho các nhà ngoại giao của họ tiếp tục thực hiện chiến lược “ngoại giao chiến lang” cứng rắn, sẽ ngày càng có nhiều phản ứng tiêu cực hướng về Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, theo một khảo sát Pew Research công bố vào tháng 10, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao nhất ở Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia.

Giới quan sát cho rằng các chính sách của Trung Quốc từ quảng bá việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 thể hiện sự ưu việt của hệ thống nhà nước cho tới việc họ không mặn mà với việc điều tra nguồn gốc dịch bệnh, cùng với việc Bắc Kinh thúc đẩy tài trợ thiết bị y tế, dường như mang lại tác dụng ngược.

Nhiều ý kiến chỉ trích cách phản ứng chưa nhanh với dịch của Trung Quốc ở giai đoạn đầu là một phần nguyên nhân khiến mầm bệnh lan rộng hơn. Trong khi đó, khi dịch bùng phát ở nhiều nước, việc Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao khẩu trang” để quảng bá họ với hình ảnh cứu giúp với các nước khác được đánh giá là không mấy thành công và thậm chí còn khiến thiện cảm với Trung Quốc giảm đi. 

Trong bối cảnh căng thẳng với nhiều nước gia tăng, Trung Quốc áp dụng “ngoại giao chiến lang” khi triển khai “đội quân” gồm các nhà ngoại giao với tiếng nói ngày càng cứng rắn để bảo vệ lập trường của nước này, cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng không được đánh giá cao khi hứng chịu nhiều chỉ trích từ các bên. Liên minh châu Âu EU đã kêu gọi Mỹ hợp tác để chống lại chiến lược này của Trung Quốc.

Căng thẳng với Mỹ và cán cân địa chính trị khu vực

Năm 2020 đánh dấu việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ – Trung đối đầu trên nhiều mặt trận với căng thẳng leo thang dồn dập từ cách phản ứng với dịch, thương mại, kỹ thuật, ý thức hệ và lợi ích chiến lược đối chọi. Hai bên liên tục chỉ trích nhau, áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại lẫn nhau, trục xuất nhà báo, đóng cửa lãnh sự quán, ban lệnh hạn chế, trừng phạt nhằm vào các quan chức và công ty của nhau.

Với nhiều quốc gia, sự đối đầu giữa Mỹ – Trung buộc họ phải tìm cách cân bằng với Trung Quốc và việc đảm bảo duy trì lợi ích kinh tế với những mối quan ngại an ninh khi bắt tay với Bắc Kinh.

Một ví dụ điển hình là Australia. Việc Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 đã trở thành bước ngoặt khiến quan hệ giữa họ với Trung Quốc lao dốc xuống mức tệ nhất trong hàng chục năm qua. Dù tuyên bố minh bạch trong chống dịch nhưng Trung Quốc lại tỏ ra không hài lòng khi Australia muốn mở cuộc điều tra về dịch. 

Sau đó, Trung Quốc được cho đã liên tục có “giáng” các đòn thương mại lên Australia trong năm qua, động thái mà Canberra cáo buộc là “cưỡng ép kinh tế”.  

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya đã khiến thiện cảm với Bắc Kinh ở quốc gia láng giềng xuống thấp. Người dân Ấn Độ, một thị trường tỷ dân, đã tích cực thúc đẩy trào lưu tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Mâu thuẫn xuyên eo biển Đài Loan trong năm nay cũng xấu đi. Mỹ và Đài Loan trong năm qua đã tiến sát gần nhau hơn với việc Washington thông qua nhiều thương vụ bán vũ khí cho hòn đảo, hay chuyến thăm của quan chức cấp nội các Mỹ tới Đài Loan sau nhiều thập niên. Trung Quốc trong năm qua đã gia tăng áp lực quân sự với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Tuy nhiên, trong năm qua, Trung Quốc cũng nhận được tin tốt khi họ đã ký thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp ước thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của các nước ASEAN cùng với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Trung Quốc mất 8 năm để đàm phán RCEP và đây được xem là cơ hội để Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực so với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới