Trung Quốc được cho là đang giảm dần đầu tư cho dự án Vành đai, con đường tại Pakistan vì lo ngại an ninh và tham nhũng.
Trang Asia Times mới đây đưa tin quân đội Pakistan đang chuẩn bị tiếp quản quyền kiểm soát gần như toàn bộ dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), theo dự luật mới được ủy ban quốc hội nước này thông qua. Động thái này được cho là nhằm trấn an Trung Quốc trong bối cảnh công dân Trung Quốc tại Pakistan và những cơ sở liên quan đến CPEC liên tục bị các nhóm vũ trang phản đối dự án này tấn công trong thời gian qua.
Xét lại đầu tư
CPEC là một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương. Dự án trị giá 60 tỉ USD được kỳ vọng sẽ là tuyến đường giao thương huyết mạch, mở cửa cho Trung Quốc ra Ấn Độ Dương và kết nối với khu vực Trung Đông, thay thế cho tuyến hàng hải qua eo biển Malacca.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang quay lưng lại với cam kết tài chính ban đầu. Đến nay, phần lớn các dự án con của CPEC đều đang trong tình trạng bị treo hoặc bị chậm tiến độ do thiếu vốn. Tính đến quý 3/2020, trong số 122 dự án thuộc CPEC mới có 32 dự án được hoàn tất.
Việc Trung Quốc giảm đầu tư nước ngoài và tạm trì hoãn dự án CPEC được cho là liên quan đến chiến lược xét lại của nước này đối với BRI, sáng kiến 1.000 tỉ USD nhưng vấp phải sự phản đối từ nhiều nước vì tính minh bạch, nạn tham nhũng, nguy cơ bẫy nợ cho các nước thu nhập thấp cũng như những tác động về xã hội, môi trường.
Chuyên gia Kevin Gallagher, Giám đốc Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ), nhận định những diễn biến bất định trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể là một yếu tố khiến Bắc Kinh phải cẩn trọng, giữ lại tài sản trong nước thay vì mang ra ngoài đầu tư.
Tuyến đường Hữu nghị Trung Quốc – Pakistan thuộc sáng kiến BRI ẢNH: AFP |
Mặt khác, Asia Times dẫn nguồn tin từ giới chức Pakistan cho biết nước này và Trung Quốc gần như đồng ý về phương án cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án thuộc CPEC để kích thích nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ. Hồi tháng 11, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Diêu Kính nói rằng Bắc Kinh không phản đối nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào giai đoạn hai của các dự án đặc khu kinh tế thuộc CPEC.
Pakistan lo bẫy nợ
Sự ì ạch của CPEC được cho còn do phía Pakistan lo ngại rơi vào cuộc khủng hoảng nợ vì phải vay quá nhiều, đến nay đã lên mức 107% GDP. Viện Cải cách chính sách (Pakistan) đánh giá Pakistan đang vướng vào bẫy nợ do chính nước này tạo ra, gây nguy cơ cho an ninh quốc gia. “Pakistan rơi vào bẫy nợ vì chính quyền không mang lại cải cách và quản lý tài chính yếu kém”, báo cáo gần đây của IPR nêu.
Từ khi lên cầm quyền năm 2018, chính quyền Thủ tướng Imran Khan đã cho tạm dừng nhiều dự án liên quan CPEC vì nghi án tham nhũng và hợp đồng bất lợi cho phía Pakistan. Một cuộc điều tra của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Pakistan gần đây phát hiện điểm bất thường trong số tài sản trị giá 1,8 tỉ USD của ngành năng lượng, với 16 công ty năng lượng hầu hết là của Trung Quốc liên quan CPEC nhận trợ giá quá mức, gây thất thoát lớn cho ngân khố Pakistan.
Trung Quốc siết các khoản cho vay
Giới nghiên cứu tại Đại học Boston (Mỹ) tổng hợp số liệu cho thấy các ngân hàng lớn của Trung Quốc đóng vai trò chính trong các dự án thuộc BRI ở nước ngoài bắt đầu siết hầu bao trong những năm gần đây. Cụ thể, tổng số vốn do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc giải ngân cho các dự án ở nước ngoài đã giảm từ 75 tỉ USD trong năm 2016 xuống chỉ còn 4 tỉ USD trong năm 2019. Số liệu sơ bộ trong năm 2020 cho thấy con số này tiếp tục giảm xuống còn khoảng 3 tỉ USD, theo tờ Financial Times.