Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài sản của các tỷ phú Việt Nam biến động thế nào...

Tài sản của các tỷ phú Việt Nam biến động thế nào sau một năm?

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là tỷ phú Việt giàu lên nhanh nhất trong năm 2020 khi có thêm hơn 1 tỷ USD.

Danh sách tỷ phú Việt Nam năm 2020 công bố vào tháng 4/2020 chỉ có 4 cái tên.

Đầu năm 2020, thống kê của Forbes cho biết Việt Nam có 5 tỷ phú gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (7,6 tỷ USD), CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,7 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD) và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD).

Trải qua một năm với nhiều biến cố khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, giá trị tài sản của các tỷ phú Việt Nam đều thay đổi mạnh.

Khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới vào đầu tháng 4/2020, chỉ có 4 doanh nhân người Việt xuất hiện do tài sản của ông chủ Masan xuống dưới mốc 1 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vắng mặt trong nhóm tỷ phú.

Thời điểm này, thị trường chứng khoán vừa trải qua giai đoạn lao dốc, rơi xuống đáy vào cuối tháng 3 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vì lo ngại diễn biến dịch Covid-19. Do đó, giá trị tài sản của các đại gia Việt Nam cũng bốc hơi hàng trăm triệu USD.

Nhưng kể từ đây, chứng khoán trong nước cũng bắt đầu đà hồi phục ấn tượng của mình. Cuối tháng 5, hai ông chủ của Masan và Hòa Phát cùng trở lại nhóm tỷ phú.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, VN-Index dừng ở 1.104 điểm với mức tăng gần 70% sau 9 tháng. Nhiều tỷ phú Việt theo đó cũng bỏ túi thêm hàng trăm triệu USD.

Kết thúc năm 2020, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với 6,8 tỷ USD, cách xa nhóm còn lại. Tài sản của ông Vượng tăng 1,2 tỷ USD so với đầu tháng 4 nhưng vẫn thấp hơn mức 7,6 tỷ USD cuối năm 2019. Ông chủ Vingroup được Forbes xếp hạng là người giàu thứ 356 trên thế giới.

Đứng ở vị trí thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 2,5 tỷ USD. Tương tự ông Vượng, giá trị tài sản của bà Thảo cũng thấp hơn con số cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu của Vietjet cũng như Vingroup hiện vẫn chưa hồi phục lại về mức cuối năm 2019.

Trong khi đó, năm 2020 chứng kiến sự thăng hạng ấn tượng của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long trong danh sách tỷ phú Việt Nam. Những ngày cuối năm, tài sản ròng của ông Long cán mốc kỷ lục 2 tỷ USD. Từ chỗ ban đầu không có tên trong nhóm tỷ phú, ông chủ Hòa Phát trở thành người giàu thứ ba tại Việt Nam khi năm 2020 qua đi.

Giá trị tài sản của ông Long tăng hơn 1 tỷ USD trong bối cảnh cổ phiếu Hòa Phát là một trong những mã bluechip tăng trưởng ấn tượng nhất năm qua. Cổ phiếu Hòa Phát đóng cửa năm 2020 với mức tăng 116% so với hồi đầu năm. Còn so với mức đáy cuối tháng 3, mã này tăng giá 213%.

Bộ đôi cổ phiếu Masan – Techcombank cùng bứt phá trong giai đoạn cuối năm cũng giúp tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh tăng trưởng đáng kể. Dù mất vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam nhưng tài sản của ông Hùng Anh vẫn tăng 400 triệu USD sau 1 năm. Còn ông chủ Masan có thêm 500 triệu USD.

Tỷ phú Việt cuối cùng trong danh sách là ông Trần Bá Dương lại không ghi nhận nhiều sự biến động năm qua do Thaco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Forbes hiện định giá tài sản của ông Dương ở mức 1,5 tỷ USD, thấp hơn 200 triệu USD so với cùng kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới