Chỉ khi nào Việt Nam có hành lang pháp lý đầy đủ thì hẵng cho phép cho vay ngang hàng hoạt động, tránh tình trạng mở ra rồi không quản được.
Cuối năm 2020, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc tuyên bố toàn bộ ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) sau 14 năm ra đời và phát triển bùng nổ đã bị xóa sổ. Thế nhưng, quả bom tài chính vẫn còn lơ lửng khi hàng triệu gia đình ở Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ nhân dân dân vào các nền tảng này, vô số nhà đầu tư vẫn đang thấp thỏm chờ được trả tiền tiết kiệm. Họ trình báo cảnh sát, khiếu nại, khởi kiện, thậm chí xuống đường biểu tình.
Thống kê của cơ quan quản lý Trung Quốc hồi tháng 8/2020 cho biết, khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 122,7 tỷ USD) tiền đầu tư vẫn chưa được hoàn trả.
Trong bối cảnh Trung Quốc và một số quốc gia khác như Singapore, Indonesia… đang tăng cường quản lý dịch vụ cho vay ngang hàng thì theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.
Để tránh vết xe đổ của Trung Quốc, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho rằng, Việt Nam chỉ nên cho phép dịch vụ cho vay ngang hàng hoạt động khi có một hành lang pháp lý đầy đủ.
“Chỉ khi nào chúng ta quản được thì hẵng mở ra, quản lý được đến đâu thì mở ra đến đấy. Còn bây giờ, khi không quản lý được mà đã mở ra, hệ quả sẽ vô cùng nặng nề, rủi ro mất tiền cho nhà đầu tư là rất lớn”, ông Kiêm bày tỏ quan điểm và cho rằng thời điểm này tốt nhất là nên cấm dịch vụ cho vay ngang hàng.
Nguyên Thống đốc NHNN cũng bày tỏ sự lạc quan vào sự kiểm soát của Việt Nam khi các công ty ngang hàng nước ngoài, nhất là Trung Quốc, tràn vào Việt Nam. Theo đó, chính sách của Trung Quốc đối với dịch vụ cho vay ngang hàng khác với Việt Nam. Về nguyên tắc, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hoạt động phải có giấy phép, địa chỉ, khách hàng… trong khi Nhà nước Việt Nam không công nhận hình thức cho vay ngang hàng nên mọi hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đều ngoài vòng pháp luật.
“Các công ty cho vay ngang hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhưng sẽ không thể hoạt động tự do như ở Trung Quốc hay cho vay như một ngân hàng được cấp phép bình thường. Đã là hoạt động chưa được pháp luật quy định thì cơ quan chức năng sẽ quản rất chặt, kể cả địa phương cũng có sự theo dõi, nếu phát hiện sẽ bị xử lý ngay”, TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Trong khi đó, trong lần trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế-tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho biết, hình thức cho vay ngang hàng tại Việt Nam đang bị pháp luật bỏ trống, do đó có không ít đối tượng đã lợi dụng mô hình này và biến tướng gây bất ổn tới an ninh kinh tế và xã hội.
Cũng bởi Việt Nam chưa có bất kỳ hành lang pháp lý nào về cho vay ngang hàng nên các công ty Trung Quốc hay nước ngoài khác hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Họ thành lập ở Việt Nam, góp vốn, mua lại… và hoạt động bình thường như các công ty tư vấn đầu tư khác.
Thực tế, hoạt động của công ty cho vay ngang hàng, mối quan hệ giữa công ty và nhà đầu tư khá phức tạp. Đôi khi họ là một và thường đứng tên những người khác nhau, hoặc nhờ đứng tên… để lách luật.
“Các công ty cho vay ngang hàng Trung Quốc hay một số công ty nước ngoài khác đăng ký với ngành nghề tư vấn đầu tư (Công ty P2P Lending), là công ty trung gian huy động nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư (cho vay). Thế nhưng, đằng sau đó là tiền họ mang từ nước ngoài vào, với danh nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng có thể là tiền của họ đứng tên một hoặc các nhà đầu tư khác và tiến hành cho vay tại Việt Nam”, ông Linh giải thích.
Nhấn mạnh rằng các công ty cho vay ngang hàng không nắm giữ tiền mà tiền cho vay là của nhà đầu tư, vị chuyên gia chỉ ra rằng, với nhà đầu tư có tiền, họ có quyền lựa chọn bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam để gửi và sử dụng các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền…
“Điều này hoàn toàn hợp pháp, quan trọng là nguồn tiền gửi vào phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. NHNN chỉ quản lý đối với nguồn gốc tiền và đã có quy định về phòng chống rửa tiền. Còn mục đích chuyển tiền trong cho ngang hàng là quan hệ dân sự, các NHTM sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành”, chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh nói.
Nhấn mạnh rằng các công ty P2P Lending không nắm giữ tiền mà tiền cho vay là của nhà đầu tư, vị chuyên gia chỉ ra rằng, với nhà đầu tư có tiền, họ có quyền lựa chọn bất kỳ ngân hàng nào tại Việt Nam để gửi và sử dụng các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền…
“Điều này hoàn toàn hợp pháp, quan trọng là nguồn tiền gửi vào phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. NHNN chỉ quản lý đối với nguồn gốc tiền và đã có quy định về phòng chống rửa tiền. Còn mục đích chuyển tiền trong cho vay P2P Lending là quan hệ dân sự, các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành”, chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh nói.
Khẳng định việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam là rất cần thiết, theo ông Linh, điều quan trọng là cần xem xét cho vay ngang hàng hoạt động như các tổ chức tín dụng hay công ty tư vấn và đầu tư của cá nhân.
Vị chuyên gia nhắc lại bài học của Trung Quốc. Theo đó, quốc gia này xem các công ty P2P Lending như một công ty tư vấn đầu tư, dẫn đến làm cho hoạt động cho vay ngang hàng phát triển chóng mặt tại Trung Quốc, biến tướng thành tín dụng đen.
“Cần xem các công ty P2P Lending như một tổ chức tín dụng với phương thức huy động vốn và cho vay đặc thù so với các tổ chức tín dụng hiện tại. Từ đó, cần ban hành các quy định về huy động vốn, cho vay với loại hình này… để đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các bên (nhà đầu tư, người vay, công ty P2P Lending) cũng như tránh các vụ lừa đảo, tín dụng đen, ảnh hưởng đến người dân và xã hội”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất và Chính phủ đang xây dựng nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính, cho vay ngang hàng để làm cơ sở thực tiễn xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với loại hình kinh doanh này trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo Bộ KH-ĐT, kể cả khi Nhà nước có chính sách, khuôn khổ pháp lý thì cho vay ngang hàng cũng như công nghệ tài chính vẫn có rủi ro vì môi trường quản lý không như kỳ vọng, nhiều công ty có thể phải dừng hoạt động hoặc phá sản.
Với nhà đầu tư, rủi ro mất tiền có thể xảy ra khi người đi vay mất khả năng thanh toán hoặc công ty cung cấp sàn giao dịch cho vay ngang hàng gặp rủi ro hoạt động. Đơn cử như không xác định được chính xác thông tin khách hàng, mất hoặc không truy cập được thông tin thay đổi của thành viên tham gia sàn giao dịch.
“Nếu cơ quan quản lý không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kinh doanh trong lĩnh vực này, công ty nước ngoài có thể chi phối hoàn toàn thị phần. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu”, Bộ KH-ĐT cảnh báo.