Sáng 10/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ khởi công Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do Tập đoàn EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư là 9220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30%; 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay thương mại trong nước do Ngân hàng Vietcombank thu xếp; vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu Euro của Cơ quan phát triển Pháp (AfD).
Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Còn tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) – Công ty cổ phần xây dựng 47 – Công ty cổ phần Lilama 10.
Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình đạt 2400 MW.
Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay.
Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các công trình thuỷ điện lớn trên dòng Sông Đà như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu là biểu tượng của sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các nhà máy thuỷ điện này đã góp phần rất quan trọng trong việc điều tiết lũ, phát điện, giao thông thuỷ và cấp nước cho hạ du.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị/nhà thầu xây dựng công trình trong việc tổ chức điều hành xây dựng công trình đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, hạn chế ảnh hưởng môi trường.