Ngày 15.1, Kyodo News dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay Bộ trưởng Quốc phòng nước này Nobuo Kishi vừa tuyên bố hoan nghênh Anh gửi tàu sân bay đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuyên bố được đưa ra khi ông Nobou Kishi có cuộc họp chung trực tuyến với người đồng cấp Anh Ben Wallace. Hai bộ trưởng cũng thống nhất phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Thời gian qua, Anh nhiều lần khẳng định sẽ điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này (hiện đã đạt được khả năng vận hành ban đầu) đến Thái Bình Dương, có đi qua Biển Đông. Phản ứng lại, ngày 2.1 vừa qua, phát ngôn viên Đàm Khắc Phi của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa rằng quân đội Trung Quốc “sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, sau lời đe dọa của Bắc Kinh, London vẫn không có dấu hiệu thay đổi ý định. Gần đây, London liên tục chỉ trích và phản ứng đối với tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông. Đầu tháng 9.2020, Bộ Ngoại giao Anh công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông và đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
Cũng trong tháng 9.2020, Anh cùng Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ phản đối những yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trả lời Thanh Niên gần đây, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch – Partenkirchen (Đức), nhận xét: “Nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nhiều nước châu Âu, có lợi ích ở Biển Đông, chứ không phải chỉ tồn tại cạnh tranh Mỹ – Trung ở vùng biển này”.
Bên cạnh đó, một số nước châu Âu khác như Đức và Pháp cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Như vào đầu tháng 12.2020, ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU ở Trung Quốc, kêu gọi EU và Mỹ nên hợp tác để chống lại những chiêu trò cưỡng chế ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời phối hợp với các bên liên quan vấn đề Biển Đông.