Cuốn sách Mao: The Unknown Story (Chuyện chưa biết về Mao) của vợ chồng bà Jung Chang (Trương Nhung) — Jon Halliday sau khi xuất bản đã gây xôn xao dư luận phương Tây. Riêng tại Anh, sau 6 tháng đầu tiên, sách này đã bán được 60 nghìn bản, đứng đầu bảng xếp hạng của mạng Amazon.
Trên toàn cầu, trong một thời gian ngắn sách bán được 12 triệu bản. Mick Jagger, ca sĩ chính của ban nhạc Rolling Stones, đi đâu cũng quảng cáo cho sách này. Ngôi sao bóng đá Davis Beckham, cựu Tổng thống Nam Phi Mandela nói họ từng đọc Mao: The Unknown Story. Tổng thống G. Bush giới thiệu nó với Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà tới thăm Mỹ, ông nói cuốn sách cho thấy Mao là một bạo chúa tàn ác hơn những gì người ta tưởng tượng…
Cuốn truyện ký về Mao do Jung Chang và Halliday viết đã gây ra phản ứng nhiều chiều trong giới học giả chuyên nghiên cứu vấn đề Trung Quốc. Dưới đây điểm qua một số bình phẩm của họ.
Nicholas Kristof, Trưởng nhóm phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của báo The New York Times nhận xét: “Dựa trên cơ sở hơn 10 năm phỏng vấn tường tận và nghiên cứu các hồ sơ tư liệu, bộ truyện ký hùng vĩ này rõ ràng đã phá bỏ hết mọi chỗ dựa vững chắc cho sự đồng tình và tính hợp pháp ủng hộ Mao Trạch Đông.” “Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin mới, cộng thêm thủ pháp viết văn thời thượng làm cho nó trở thành sách gối đầu giường của tất cả mọi người trên thế giới.” “Tôi có chút bảo lưu về sự đánh giá của tác giả đối với Mao và về việc họ xếp Mao cùng hàng với Hitler và Stalin. Xét theo cảm nhận của cá nhân tôi, dù cho có những thông tin khủng khiếp đến đâu đi nữa, thì Mao vẫn đem lại cho Trung Quốc những thay đổi hữu ích. Thế nhưng có chỗ tác giả thể hiện khát vọng muốn đập nát Mao, thậm chí làm cho tôi ngờ rằng tác giả đã loại bỏ những chứng cớ chứng tỏ Mao vô tội và dồn sức vào những chỉ trích vô cớ đối với Mao.” “Trong toàn bộ các nguồn trích dẫn, có một nguồn nhắc tới thầy dạy Mao học tiếng Anh là bà Chương Hàm Chi. Bà ấy là một trong những người bạn Trung Quốc quen biết lâu nhất của tôi. Vì thế tôi đã liên hệ với bà. Chương Hàm Chi nói đúng là bà có hai ba lần gặp không chính thức Jung Chang, nhưng bà từ chối trả lời phỏng vấn và chưa hề cung cấp bất cứ nội dung nào có tính thực chất. Tôi mong rằng Jung Chang và Halliday có thể cho chúng tôi chia sẻ nguồn tài liệu của họ, dù là thông qua mạng hoặc với các học giả khác. Có vậy thì mới có thể phán xét xem rốt cuộc tác giả có công bằng và chính xác hay không khi đưa ra các kết luận tương ứng về Mao.”
Theo báo Anh The Times, cựu Thống đốc Hong Kong Chris Patten nói: “Sau khi cuốn Ba thế hệ phụ nữ Trung Quốc (Wild Swans: Three Daughters of China, bản tiếng Việt đã được NXB Phụ nữ Việt Nam xuất bản) của Jung Chang thu được thành công vẻ vang, chúng tôi hằng mong chờ sự ra đời công trình nghiên cứu hùng vĩ về Mao Trạch Đông của Jung Chang và chồng bà. Mọi người cảm thấy Jung Chang đang viết lại lịch sử Trung Quốc hiện đại. Điều đó thật đáng mong đợi, quả nhiên công chúng không bị thất vọng. Đây là bộ sách có hiệu ứng bùng nổ.”
Theo tờ Dailly Mail, nhà ngoại giao Anh, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc George Walden nói: “Có nhiều chi tiết và tư liệu tuyệt vời. Những câu chuyện được vợ chồng bà Jung Chang kể lại vừa làm người ta sởn tóc gáy lại vừa có sức cuốn hút mê hồn. Trong số các truyện ký chính trị hiện đại, đây là một cuốn sách có sức chấn động lớn nhất, làm cho người đọc đã cầm sách lên là không muốn rời tay, nó phơi bày nhiều nhất những chuyện chưa ai biết. Rất hiếm những cuốn sách có thể làm thay đổi lịch sử, nhưng cuốn sách này sẽ làm thay đổi lịch sử.”
Báo The Sunday Times cho biết sử gia Simon Sebag Montefiore nhận định như sau về cuốn sách: “Thành công chưa từng thấy! Nền chính trị chuyên chế tàn bạo, giết người như ngóe, sinh hoạt đời tư thối nát v.v… tất cả đều được mô tả tới mức lóa mắt. Những điều xem ra sử sách đã có kết luận xác định rồi, nay được sửa lại với tốc độ chóng mặt. Thành quả nghiên cứu như sóng trào bão cuốn. Đây là cuốn sách truyện ký chính trị đầu tiên chứa đầy những chi tiết chân thực về con ác quỷ lớn nhất ấy.”
Jonathan Mirsky, chuyên gia vấn đề Trung Quốc, nhà báo của tờ The Independent nói: “Cống hiến của Jung Chang và Halliday rất lớn, sách của họ vượt qua tất cả các truyện ký cùng loại từng xuất bản.”
The Daily Telegraph đưa tin Max Hastings, sử gia từng là Tổng Biên tập mấy tờ báo lớn ở Anh nhận xét: “Nguồn tư liệu của cuốn sách này vừa phong phú vừa trải trên phạm vi rộng, trong đó các hồ sơ lưu trữ của Nga có giá trị quan trọng. Jung Chang và Halliday đã xua tan đám mây mù về Mao Trạch Đông từng che mắt nhiều người phương Tây, làm cho họ sáng mắt ra.”
Michael Yahuda, Giáo sư vấn đề Trung Quốc tại Trường Kinh tế London, nói: Jung Chang và Halliday dùng tầm mắt hoàn toàn mới viết lại từng giai đoạn trong cuộc đời đầy biến động của Mao Trạch Đông, đây là một tác phẩm lớn rất hay.
Donald Morrison nhà báo của tạp chí Time nhận định: “Cuốn sách này có sức mạnh như một trái bom nguyên tử.”
Tuy được giới truyền thông ca ngợi, nhưng Mao: The Unknown Story cũng bị không ít học giả phê phán. Một số lời bình tuy không phủ nhận Mao là “quái vật” nhưng nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử chính trị Trung Quốc hiện đại vẫn nghi ngờ tính chân thực của một số kết luận đưa ra trong sách. Họ nói tác giả đã sử dụng chứng cứ một cách có lựa chọn, nặng về trích dẫn các chứng cứ bất lợi cho Mao, họ nghi ngờ tính khách quan của cuốn truyện ký này.
Những lời bình tương đối có uy tín được tập hợp trong cuốn “Truyện ký hay sự bịa đặt? Các học giả nước ngoài bình luận về sách Mao: The Unknown Story” [Was Mao Really a Monster? The academic response to Chang and Halliday’s Mao: The Unknown Story], do NXB Đại Phong ở Hong Kong xuất bản tháng 11/2008. Sách dầy 253 trang, do Gregor Brenton (GS khoa Sử Đại học Cadiff) và bà Lâm Xuân (Giảng sư cấp cao môn Chính trị so sánh ở Trường Kinh tế London) biên soạn. Nội dung chính gồm 14 bài phê bình cuốn sách của Jung Chang và Halliday, tác giả các bài này đều là học giả quốc tế chuyên nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có 3 tác giả Trung Quốc và Đài Loan. Tuy góc độ phê phán của mỗi người có khác nhau, nhưng lời bình của họ đều nghiêm chỉnh, dựa trên cơ sở các tư liệu tích lũy được trong thời gian dài.
Ông Trần Vĩnh Phát, Viện trưởng Viện Sử cận đại thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương (tức Viện Hàn lâm khoa học Đài Loan) nói, giá trị của cuốn sách này là ở chỗ đưa ra những sự thực trước nay chưa ai biết, ví dụ phần nói về vợ Mao là bà Dương Khai Tuệ, bà rất yêu Mao nhưng lại bị Mao ruồng bỏ, cuối cùng bị Quốc Dân Đảng sát hại. Nhưng tác giả Jung Chang quá vội đi đến kết luận, mối quan hệ giữa chứng cớ với kết luận không chặt chẽ, vì thế chưa thể coi sách này là một tác phẩm học thuật. Chẳng hạn chưa đủ chứng cớ để nói Hồ Tôn Nam là nội gián đỏ (red sleeper) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không thể nói chiến tranh thắng thua là nhờ gián điệp. Vì thế cho dù lấy được nhiều hồ sơ lưu trữ mật của Liên Xô, Đông Âu, nhưng tác giả lại lệch lạc chỉ chú ý chọn các tài liệu (phê bình, chỉ thị của Quốc tế Cộng sản) bất lợi cho Mao.
GS Đại học Yale Sử Cảnh Thiên viết bài trên tạp chí London Review of Books, vạch ra một số sách tham khảo mà Jung Chang đã dùng không phải là các ấn phẩm nghiêm chỉnh, không thể tìm được bất kỳ nguồn tư liệu nào từ các sách đó. Jung Chang hoàn toàn chỉ viết về các mặt không tốt của Mao, điều đó làm cho cuốn sách kém sức thuyết phục.
Thomas Bernstein, GS Đại học Columbia, nói: Cuốn sách của Jung Chang là một tai họa lớn đối với việc nghiên cứu Trung Quốc đương đại.
Tôn Thư Vân nhà văn người Hoa định cư ở Anh từng viết một cuốn sách về cuộc trường chinh của Hồng quân Trung Quốc, ông cũng đã phỏng vấn người thợ rèn họ Chu có mấy đời sống ở gần đầu cầu Lư Định trên sông Đại Độ. Cụ Chu nói: Có một trung đội quân Quốc Dân Đảng đóng ở đầu cầu bên kia, nhưng súng của họ rất cũ, không bắn xa được, họ không phải là đối thủ của Hồng quân. Hôm ấy trời mưa, khi thấy Hồng quân đến bên kia cầu, lính Quốc Dân Đảng bỏ chạy hết, trước đó viên sĩ quan chỉ huy đã biến mất. Không có đánh nhau to. Nhưng tôi vẫn kính phục 22 chiến sĩ Hồng quân bò dây cáp đi qua cầu. Họ rất dũng cảm và qua cầu rất nhanh.
Năm 1984, khi trả lời phỏng vấn của Phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Tứ Xuyên, ông Lý Tụ Khuê, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Hồng quân số Một nói: “Chiến dịch cầu Lư Định không phức tạp như sau này người ta nói. Để giúp Sư đoàn II qua sông, bộ đội Sư đoàn I của tôi chiếm cầu Lư Định, chỉ có thế thôi. Nghiên cứu lịch sử cần tôn trọng sự thực. Các người viết thế nào, tôi không quan tâm; các người viết gì bao giờ cũng khuếch đại, đầy tính tuyên truyền!”
GS Đại học Columbia Lê An Hữu viết trên tạp chí London Review of Books: Sách này có nhiều luận điệu trái sự thực, nghe sởn tóc gáy, thực ra “nhiều phát hiện lấy nguồn gốc từ các tư liệu không thể kiểm chứng. Một số phát hiện khác là kết quả của sự công nhiên phỏng đoán hoặc xây dựng trên cơ sở chứng cớ gián tiếp, một số phát hiện không chân thực”, “nhiều kết luận đều dựa vào sự giải thích sai chứng cớ hoặc gán ghép khiên cưỡng”, “Một số luận chứng không chỉ là lạm dụng tư liệu mà là nhận xét vu vơ vô căn cứ”. GS Lê đánh giá Jung Chang và Halliday là những người ba hoa lắm lời (magpies).
GS Gregor Benton ở khoa sử Đại học Cardiff và GS Steve Tsang ở Đại học Oxford nhận xét “nhiều kết luận về Mao Trạch Đông và về bối cảnh lịch sử rộng hơn đưa ra trong sách này đều có tì vết”, “Hình ảnh Mao được dựng lại một cách không thận trọng hoặc đánh giá Mao thiếu công bằng”, “vấn đề lớn nhất là ở tính phiến diện và sử dụng tư liệu một cách không hợp lý”, “không có lợi cho việc giúp người đọc hiểu đúng đắn Mao Trạch Đông hoặc Trung Quốc trong thế kỷ 20”.
Tháng 12/2005, báo The Observer đăng tuyên bố của Jung Chang và Halliday trả lời các bình luận sách của họ. Tuyên bố viết: Khi viết tập truyện ký này, chúng tôi hiển nhiên vận dụng quan điểm của các học giả phương Tây đối với Mao Trạch Đông và lịch sử Trung Quốc. Chúng tôi đã nghiên cứu trong 10 năm rồi đưa ra các kết luận và giải thích sự kiện. Các tác giả còn viết thư cho London Review of Books trả lời ý kiến phê bình của Lý An Hữu.
Phó Giám đốc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Lý Thận Minh cho rằng việc biên soạn sách này được cơ quan tình báo Anh tài trợ.
Tháng 5/2020, chuyên gia lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khuê Tùng phát biểu đại ý như sau: Tôi và Jung Chang khá quen nhau. Trong 4 năm viết sách, năm nào bà cũng về đại lục một hai lần, hầu như đều gặp tôi hỏi các vấn đề lịch sử. Tôi rất thích cuốn Ba thế hệ phụ nữ Trung Quốc của bà, từng được giải thưởng của châu Âu, và biết bà đang viết cuốn “tiểu thuyết” lịch sử về Mao Trạch Đông. Vì thế bà hỏi gì tôi đều trả lời. Trong sách bà có ghi chú đã phỏng vấn tôi. Nhưng lạ thay sau khi ra sách, bà không còn gặp tôi, chẳng biếu sách mà cũng không có thư từ cho tôi, càng khỏi phải nói đến việc bà đã hỏi ý kiến của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như tôi. Điều đó cho thấy bà đã biết thái độ cơ bản của chúng tôi [đối với sách ấy].
Đã có lần tôi trả lời qua loa một bạn trên mạng như sau: Sách của Jung Chang đáng đọc. Đúng là đã có những cuốn sách ma quỷ hóa Mao, chỉ có điều tác giả chúng đều là người Đài Loan hoặc người Hoa ở nước ngoài ủng hộ Quốc Dân Đảng, và cũng ít cuốn có nghiên cứu kỹ sử liệu. Jung Chang chẳng những “lớn lên dưới lá cờ hồng”, lại là con cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tự nhiên phải có quan điểm khác với người Đài Loan. Đặc biệt bà và chồng đã bỏ ra 10 năm đi tìm tư liệu lịch sử ở các nước, phỏng vấn khá nhiều người liên quan, thu được nhiều sử liệu, phát hiện không ít sự thật mới, đưa ra một số quan điểm đáng chú ý, làm cho cuốn sách có sức nặng hơn những sách từng xuất bản.
Nhưng sách này có những nhược điểm nghiêm trọng, màu sắc chủ quan quá mạnh. Tuy sưu tầm được nhiều sử liệu nhưng vì trong bụng đã khẳng định Mao là người xấu, thì càng nhiều sử liệu lại càng hiểu và khai thác từ mặt xấu, khó có thể vận dụng khách quan, hầu hết các chương sách đều như vậy. Đây là thất bại lớn nhất của sách này.