Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia: Biển Đông tiếp tục 'dậy sóng' năm 2021

Chuyên gia: Biển Đông tiếp tục ‘dậy sóng’ năm 2021

Giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ tiếp tục có động thái quyết liệt ở Biển Đông, trong khi chính quyền Biden duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề này.

Trung Quốc năm 2020 đã có những động thái làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông như đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vài lần triển khai tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 dưới sự hộ tống của tàu hải cảnh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như bám theo tàu khoan của Malaysia. Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc được cho là triển khai phi pháp vận tải cơ Y-20 lớn nhất trong biên chế đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chia sẻ với VnExpress, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, dự đoán căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng ở Biển Đông vào năm 2021 vì Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý mà họ đơn phương đặt ra. Hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc sẽ tiếp tục quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia ven biển như Việt Nam và Malaysia.

Ông cho rằng Trung Quốc cũng sẽ tăng cường “cuộc chiến công hàm” liên quan đến Biển Đông. Trung Quốc đã phản hồi nhanh chóng các công hàm được đệ trình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Khi Malaysia gửi công hàm đầu tiên vào tháng 12/2019, Trung Quốc đã phản hồi ngay trong ngày. Khi Pháp, Đức và Anh cùng đệ trình công hàm lên CLCS, Trung Quốc đã trả lời rằng còn có luật quốc tế khác ngoài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

 
https://play.selectmedia.asia/58fcbed1073ef420086c9d08/5942ae55073ef42ccf4fae29/selectmedia-logo56x10.png”);”>

“Ngư dân Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines và Indonesia. Indonesia có thể trục xuất những ngư dân bất hợp pháp này hoặc bắt họ. Vì vậy, năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc đối đầu quy mô nhỏ trên biển hơn”, Thayer nói.

“Rõ ràng Trung Quốc không có ý định thay đổi chính sách và chiến lược của mình trên Biển Đông”, phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng việc sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “không khả thi và khôn ngoan”.

Ông cho rằng các quốc gia trong khu vực cũng như các nước liên quan như Nhật, Mỹ và châu Âu nên tiếp tục phản đối Trung Quốc mạnh mẽ và rõ ràng trong năm 2021. “Việc các nước đồng lòng phản đối chắc chắn sẽ hãm phanh các chính sách và động thái đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông”, Yoji nói.

Ông chỉ ra một ví dụ thành công của nỗ lực quốc tế kiểu này là trường hợp bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đã chiếm Scarborough từ tay Philippines năm 2012 nhưng không thể bắt đầu khảo sát tiền cải tạo kể từ năm 2015 do áp lực quốc tế, được hỗ trợ bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Theo Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên án những động thái của Bắc Kinh, không chỉ trong vấn đề Biển Đông. “Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền mới của Mỹ có thành công hơn hai chính quyền trước đây trong việc xây dựng và duy trì một liên minh quốc tế nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh và buộc nước này thay đổi định hướng hay không”.

Phó đô đốc Yoji nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Ông vạch ra một kịch bản vào năm 2021 là Trung Quốc có thể đánh giá Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden không có lập trường mạnh mẽ và cứng rắn đối với Bắc Kinh như người tiền nhiệm Donald Trump.

Trong kịch bản này, Trung Quốc đại lục có thể đánh chiếm quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát để thử thách quyết tâm bảo vệ Đài Loan của Biden. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan leo thang sau khi lãnh đạo Thái Anh Văn nhậm chức năm 2016 và từ chối công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.

Yoji cho rằng nếu Mỹ không có phản ứng, hay phản ứng rất yếu hoặc chậm, Trung Quốc sẽ dốc toàn lực đối phó với Đài Loan, rồi sau đó cố gắng chiếm các đảo do các quốc gia khác kiểm soát tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

“Tóm lại, nếu Trung Quốc nhận định Mỹ sẽ có lập trường yếu ớt, Bắc Kinh sẽ kích hoạt một loạt hoạt động quân sự quyết liệt và tạo ra ‘hiệu ứng Domino’, với nỗ lực kiểm soát Đông Sa là màn mở đầu”, Yoji nói.

“Tôi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp, nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là hợp tác chặt chẽ với Mỹ và ngăn Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ không muốn can dự vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong khu vực này. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc tại Biển Đông”, Yoji nói thêm. “Viễn cảnh này thực sự là một cơn ác mộng đối với tất cả các quốc gia châu Á khác ngoài Trung Quốc. Chúng ta nên cố gắng hết sức để ngăn chặn điều này xảy ra. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự”.

Giáo sư Thayer đánh giá chính quyền Biden sẽ không thể hiện lập trường “mềm yếu” như Bắc Kinh mong đợi, mà nhiều khả năng sẽ tiếp tục chỉ trích và lên án hành vi hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Biden cũng sẽ thể hiện lập trường pháp lý tương tự chính quyền Trump.

Poling cũng có nhận định tương tự. “Đây là kết quả của việc Trung Quốc có hành vi ngày càng quyết liệt và chính sách của Washington sẽ không thay đổi trừ khi Bắc Kinh điều chỉnh thái độ”.

“Tôi hy vọng khi làm phó tổng thống dưới thời Obama, Biden đã rút ra những bài học quý giá và quan trọng về chiến lược Biển Đông đầy lắt léo của Trung Quốc năm 2009-2017”, Yoji nói.

Chính quyền Trump đã tăng cường hoạt động tự do hàng hải để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Trong năm 2019, hải quân Mỹ đã thực hiện 10 chiến dịch kiểu này, gấp đôi số lần chính quyền Obama thực hiện trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Năm 2020, Mỹ triển khai 8 chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Hồi tháng 7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Một tháng sau, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen, hạn chế khả năng tiếp cận linh kiện Mỹ do họ đã hỗ trợ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo. Các quan chức Mỹ cũng tăng cường nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Một động thái đáng chú ý là Mỹ tháng trước công bố chiến lược ba quân chủng “Chiếm ưu thế trên biển”, trong đó, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Tuần duyên Mỹ cùng cam kết xây dựng “sức mạnh hải quân tổng hợp mọi mặt” và kêu gọi tăng cường liên minh hàng hải. Họ gọi Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất, nhấn mạnh các lực lượng Mỹ “sẽ phát hiện và ghi lại các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, ăn cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác”.

“Chiến lược mới rất có thể sẽ dẫn đến các cuộc đối đầu trên biển giữa lực lượng Mỹ với hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc”, Thayer dự đoán.

Tài liệu chiến lược mới xác định mục tiêu của Mỹ là “bảo vệ tự do trên biển, ngăn chặn hành vi gây hấn và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh”, chỉ ra rằng “hành vi và tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đặt nước này vào một quỹ đạo” sẽ thách thức khả năng thực hiện mục tiêu trên của Mỹ.

Thayer nhận xét ngôn ngữ này thể hiện “Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và cả những nơi khác quyết liệt hơn trước”.

Polling cũng cảnh báo về nguy cơ đụng độ Mỹ – Trung trên Biển Đông. “Hai nước có thể hợp tác để ngăn căng thẳng biến thành xung đột, nhưng không thể loại trừ nguy cơ leo thang hoặc đụng độ ngoài ý muốn, dù chúng ít có khả năng xảy ra”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới