Flightglobal mới đây đã công bố Báo cáo “Không quân Thế giới năm 2021 – World Air Forces 2021”, cập nhật mới nhất về Không quân Việt Nam với đột phá rất lớn về vũ khí trang bị.
Tiêm kích Su-30MK2 Không quân Việt Nam huấn luyện tác chiến trên biển.
Đến hẹn lại lên, trang thông tin chuyên ngành hàng không uy tín hàng đầu thế giới Flightglobal.com mới đây đã công bố báo cáo thường niên mang tên “Không quân Thế giới năm 2021 – World Air Forces 2021” trong đó cập nhật những thống kê nóng hổi nhất về vũ khí trang bị của gần như tất cả các lực lượng Không quân trên thế giới.
Đáng chú ý là trong báo cáo mới nhất này cho thấy Không quân Việt Nam có bước phát triển đột phá lớn với một dòng chiến đấu cơ mới đã được đặt mua từ Nga và sắp bàn giao để đưa vào biên chế trang bị, xứng tầm của một trong những quân binh chủng mũi nhọn được ưu tiên mua sắm vũ khí mới theo định hướng tiến thẳng lên hiện đại.
Các thống kê của Flightglobal có thể không thật chính xác so với thực tế, tuy nhiên được coi là dữ liệu tham khảo tương đối có giá trị.
Không quân hải quân
Báo cáo “Không quân Thế giới năm 2021 – World Air Forces 2021” của Flightglobal đề cập khá chi tiết về biên chế trang bị của các lực lượng không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm cả Không quân thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) và Không quân hải quân thuộc Quân chủng Hải quân.
Trước đây, toàn bộ các máy bay có khả năng bay biển đều do Quân chủng PK-KQ quản lý, còn Quân chủng Hải quân chưa có không quân của riêng mình, tuy nhiên gần đây đã có bước đột phá lớn khi lần đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam sở hữu lực lượng không quân độc lập.
Theo Báo Hải quân (thuộc Quân chủng Hải quân), trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của đất nước, cùng với sự phát triển của lực lượng Hải quân, tháng 9-1984, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Không quân Hải quân 954 (nay là Lữ đoàn Không quân Hải quân 954) thuộc Quân chủng Không quân.
Trung đoàn Không quân Hải quân 954 có nhiệm vụ: Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân làm nhiệm vụ tác chiến trên biển, trinh sát chống ngầm trên cơ sở trang bị kỹ thuật hiện có; tổ chức phục vụ chiến đấu, vận chuyển đổ bộ chiến thuật, vận chuyển khí tài quân sự và các trang bị khác bảo đảm cho bộ đội ở các đảo và làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn…
Năm 1988, Trung đoàn Không quân Hải quân 954 được tiếp nhận những chiếc trực thăng săn ngầm Ka-28 do Liên Xô sản xuất. Tiếp đó, từ năm 1990 đến 2013, được giao nhiệm vụ mới phức tạp, nặng nề hơn, với nhiều chủng loại máy bay được trang bị như Ka-28, Ka-32, Mi-8, Mi-17.
Tới năm 2013, Trung đoàn Không quân 954 được nâng cấp thành Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 và được điều chuyển từ Quân chủng Phòng không-Không quân về trực thuộc Quân chủng Hải quân.
Từ đây, Hải quân nhân dân Việt Nam chính thức có lực lượng không quân của riêng mình để thực hiện các nhiệm vụ:
“Tuần tiễu, trinh sát, tuần thám, chỉ thị mục tiêu, chuyển tiếp chỉ huy cho các lực lượng; tác chiến chống ngầm; làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế chi viện cho các đảo, nhà giàn; tìm kiếm cứu nạn trên biển; dịch vụ du lịch thương mại phục vụ khảo sát, nghiên cứu biển, thăm dò dầu khí và khai thác nuôi trồng thủy, hải sản… và các nhiệm vụ khác khi có lệnh”.
Theo thống kê của Flightglobal trong báo cáo World Air Forces 2021, Không quân Hải quân Việt Nam hiện đang có trong trang bị 3 máy bay tuần thám biển DHC-6 Guardian 400 (MPA); 3 máy bay vận tải – thủy phi cơ DHC-6 Guardian 400; 2 trực thăng H225M (EC-225) và 8 trực thăng săn ngầm Ka-28.
Không quân Việt Nam đột phá lớn
Theo báo cáo World Air Forces 2021 mới công bố, số lượng máy bay hiện có của Không quân Việt Nam gồm cả tiêm kích, tiêm kích bom, trực thăng, huấn luyện và vận tải đều không có sự thay đổi nào đáng chú ý.
Tuy nhiên, Flightglobal đã ghi nhận một bước phát triển mới của Không quân Việt Nam khi đưa vào thống kê 12 chiếc máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 mà chúng ta mới ký hợp đồng từ Nga.
Trong số liệu của báo cáo, 12 chiếc Yak-130 này được ghi chú là “đã đặt mua – ordered”, tương đồng với những thông tin mà truyền thông Nga và một số báo lớn của Việt Nam đã đưa tin về hợp đồng mới này vào đầu năm 2020.
Hiện chưa rõ thời hạn những chiếc máy bay tiêm kích nhẹ kiêm huấn luyện phản lực Yak-130 bao giờ sẽ được phía Nga chuyển giao cho Việt Nam nhưng theo thông lệ, kể từ khi ký hợp đồng tới khi hoàn thành sản xuất, bay thử nghiệm thu và tiến hành giao hàng lô đầu tiên sẽ thường mất khoảng 2 năm.
Yak-130 được đánh giá là một trong những loại máy bay huấn luyện phản lực đa năng hiện đại nhất thế giới, được Không quân Nga tin dùng và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu đặt mua. Ngay tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, trước đó đã có Lào và Myanmar sở hữu dòng máy bay này.
Về các loại máy bay hiện có của Không quân Việt Nam được Flightglobal thống kê như sau:
Máy bay chiến đấu: 34 tiêm kích bom Su-22, 41 tiêm kích Su-27/30 (Su-27SK/UBK và Su-30MK2);
Máy bay chuyên dụng: 1 chiếc An-28/M28 (MPA)
Máy bay vận tải: 30 An-26, 3 C-295, 3 NC212i
Trực thăng vận tải và trực thăng vũ trang: 2 Ka-32; 87 Mi-8/17;
Máy bay huấn luyện: 25 L-39; 5 Su-27 và 12 Yak-130 (đang đặt mua).
FlightGlobal là một trong những ấn phẩm hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng không, cung cấp các báo cáo chuyên ngành, báo cáo đặc biệt, thông tin cập nhật và các bài phân tích đánh giá.
Một trong những ấn phẩm hàng đầu của FlightGlobal là Tuần san Flight International đã kỷ niệm tròn 110 năm vào 2019.
Flightglobal.com được đánh giá là một trong những trang tin điện tử chuyên ngành hàng đầu thế giới, được nhiều người trong ngành tin cậy và theo dõi nhiều nhất nhờ tin tức nóng hổi, bình luận phân tích sắc sảo, đa dạng và hấp dẫn.