Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnLính TQ không muốn dùng vũ khí TQ - Tại sao?

Lính TQ không muốn dùng vũ khí TQ – Tại sao?

Trung Quốc đang tỏ ra cảnh giác với chính năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng bản địa.

Ảnh minh họa

Trong bài viết trên tờ Taiwan Times, Tiến sĩ Punit Saurabh tại Đại học Nirma (Ấn Độ) cho hay, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), các công ty sản xuất quốc phòng Trung Quốc đã giành được gần 16% doanh số bán vũ khí trên toàn cầu vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng thị phần của họ trong năm 2021.

Trong 10 năm qua, gần 82% sản lượng xuất khẩu quốc phòng của Trung Quốc nhắm tới các quốc gia châu Á, trong đó hơn 60% tới Pakistan, Bangladesh và Myanmar.

Những nỗ lực nhằm mở cửa thị trường Mỹ-Latinh đã tụt lại so với các nhà xuất khẩu khác trong khi thị trường vũ khí ở Đông và Trung Phi thì lại ghi nhận mức gia tăng đáng kể nguồn cung thiết bị quân sự từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những cáo buộc về các thiết bị quân sự Trung Quốc chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn, và thậm chí đe dọa tính mạng của người sử dụng.

Theo Tiến sĩ Saurabh, những lý do chính khiến các đơn hàng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc hướng tới các quốc gia có sự quản lý thị trường lỏng lẻo là do thiết bị quân sự của họ có chất lượng thấp nên giá thành thấp hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh còn áp dụng chính sách “không chất vấn” về mục đích sử dụng vũ khí của các quốc gia khách hàng.

Do đó, mặc dù vũ khí của Trung Quốc có chất lượng thấp nhưng lại được nhiều nhóm vũ trang trên thế giới ưa chuộng. Hiện chúng được Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác sử dụng rộng rãi.

Trong khi đó, Đức cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, còn Mỹ đã chấm dứt một số hợp đồng và áp đặt biện pháp trừng phạt khi cung cấp khí tài quân sự, phụ tùng thay thế và công cụ bảo dưỡng đối với một số quốc gia như Pakistan vì vi phạm hợp đồng.

Danh tiếng tồi tệ

Danh sách các loại vũ khí bị lỗi do Trung Quốc cung cấp khá dài, và chất lượng sản phẩm do họ cung cấp cũng rất đáng ngờ.

Myanmar đã công khai chỉ trích chất lượng các loại vũ khí do Trung Quốc cung cấp. Jordan từng mua từ Trung Quốc 6 máy bay không người lái CH-4B vào năm 2017 nhưng hai năm sau buộc phải bán đi do phát hiện các vấn đề lớn trên mẫu UAV này.

Kenya đặt mua các xe bọc thép chở quân VN-4 từ Trung Quốc trong năm 2016. Đại diện bán hàng của Trung Quốc đã từ chối ngồi bên trong xe khi tham gia một cuộc chạy thử nghiệm. Kết quả chúng ta thấy sau đó là có một số binh sĩ Kenya đã tử vong khi vận hành mẫu xe này.

Các sự cố tương tự đã xảy ra ở Algeria, Bangladesh và thậm chí cả ở Pakistan – quốc gia anh em thân thiết với Trung Quốc [6 trong 9 hệ thống phòng không LY-80 mua từ Trung Quốc đã không hoạt động sau khi được Islamabad mua về với giá “cắt cổ”].

“Tẩy chay” chính vũ khí nội địa

Tờ Global Times của Trung Quốc đã chào hàng trực thăng Z-10ME và Z-20 của nước này như những mẫu trực thăng có tiềm năng tăng sản lượng xuất khẩu nhất.

Trong khi Z-10ME là trực thăng tấn công thì Z-20 là trực thăng đa dụng chiến thuật. Tuy nhiên, điều không được công khai là ngay chính quân đội Trung Quốc cũng tự tránh xa những sản phẩm do chính ngành công nghiệp quốc phòng nước này chế tạo.

Mặc dù Bắc Kinh chi rất nhiều tiền cho việc thúc đẩy xuất khẩu các khí tài này nhưng bản thân lực lượng vũ trang Trung Quốc lại đang sử dụng các biến thể Mi-17 do Nga sản xuất, bao gồm Mi-171E, Mi-171Sh và Mi-171 Lt.

Có thể thấy, Trung Quốc tỏ ra cảnh giác với chính năng lực của ngành công nghiệp bản địa trong lĩnh vực sản xuất trực thăng chiến đấu.

Bắc Kinh có khả năng sẽ mua 500 chiếc trực thăng Mi-171 trong tương lai gần. Z-10 và Z-20 không có động cơ đủ mạnh để bay ở độ cao lớn, cũng như không thể mang theo số nhân lực cần thiết trong một số tình huống chiến đấu.

Năng lực sản xuất vũ khí của Trung Quốc được đánh giá là thua xa Nga và các nhà sản xuất có năng lực khác.

Trước đây, nỗ lực sao chép của Trung Quốc thông qua kỹ thuật đảo ngược trên mẫu Su-30 của Nga đã thất bại thảm hại. Những gì họ cho ra đời là các phiên bản sao chép rẻ tiền của Su-27 và Su-33, với tên gọi lần lượt là J-11/16 và J-15.

Trong khi đó, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc được xem là phiên bản nhái của mẫu F-22 Raptor do Mỹ sản xuất.

Tiến sĩ Saurabh cho rằng hành động xuất khẩu máy bay trực thăng chất lượng thấp của Trung Quốc sang các nước phụ thuộc phải bị loại bỏ. Mặc dù vũ khí giá rẻ của Trung Quốc có thể hữu ích với các nhóm khủng bố nhưng những quốc gia khác sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn để đáp ứng nhu cầu chiến lược của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới