Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngTên lửa Triều Tiên có thể giúp tàu ngầm đe dọa đảo...

Tên lửa Triều Tiên có thể giúp tàu ngầm đe dọa đảo Guam

Tên lửa Pukguksong-5 mới của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 3.000 km, cho phép tàu ngầm nước này tập kích đảo Guam từ vùng biển gần bờ.

Triều Tiên đêm 14/1 tổ chức duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham gia của hàng loạt khí tài quân sự, trong đó nước này lần đầu ra mắt tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-5.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ca ngợi Pukguksong-5 là “vũ khí mạnh nhất thế giới”, có “khả năng tấn công mạnh mẽ” để tấn công phủ đầu, tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù bên ngoài lãnh thổ.

Dựa trên các hình ảnh được KCNA công bố, Michael Elleman, chuyên gia thuộc dự án 38 North có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi và phân tích về Triều Tiên, cho rằng mẫu Pukguksong-5 có đường kính 1,8 m, tương đương biến thể Pukguksong-4 được Triều Tiên công khai trong cuộc duyệt binh lớn hồi tháng 10/2020.

Phần mũi tên lửa Pukguksong-5 được chỉnh sửa, khiến tổng chiều dài của nó đạt khoảng 10,5 m, so với mức 9,8 m của Pukguksong-4. Một nguồn tin cho biết cả hai quả đạn đều có kích thước thân ngang ngửa với mẫu Pukguksong-3 từng được bắn thử hồi cuối năm 2019.

“Kích thước tương đồng giữa hai loại cho thấy Triều Tiên vẫn đang nghiên cứu thiết kế cụ thể cho mẫu SLBM thế hệ tiếp theo. Chưa có thông tin cho thấy Bình Nhưỡng thử động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn cỡ lớn trên mặt đất, nhiều khả năng thiết kế Pukguksong-5 vẫn chỉ là dự án nằm trên giấy”, Elleman nói.

Giới chuyên gia cho rằng rất khó để đánh giá thông số kỹ thuật của Pukguksong-5, nhất là khi các quả đạn xuất hiện trong lễ duyệt binh dường như chỉ là mô hình và không có những chi tiết hé lộ khả năng vận hành của nó. Kích thước của Pukguksong-5 khá giống với mẫu UGM-73 Poseidon của Mỹ, vốn có khả năng mang được nhiều đầu đạn và đạt tầm bắn trên 4.600 km.

Tuy nhiên, Poseidon sử dụng nhiên liệu rắn năng lượng cao, đặt trong vỏ sợi thủy tinh rất nhẹ và trang bị hệ thống dẫn đường, điều khiển phức tạp. Miệng ống xả động cơ cũng đặt chìm trong thân để giảm chiều dài, cho phép nó được khai hỏa từ những ống phóng nhỏ.

Tên lửa Poseidon Mỹ phóng thử năm 1979. Ảnh: US Navy.

Tên lửa Poseidon Mỹ phóng thử năm 1979. Ảnh: US Navy.

“Pukguksong-5 có thể lạc hậu hơn về thiết kế, công nghệ chế tạo và thuốc phóng dạng rắn, khiến tầm bắn của nó chỉ vào khoảng 3.000 km. Tuy nhiên, điều này vẫn cho phép tàu ngầm Triều Tiên bắn tên lửa tới đảo Guam của Mỹ khi vẫn hoạt động ở giữa biển Nhật Bản, không xa bờ biển Triều Tiên”, Elleman nhận định.

Đảo Guam nằm ở giữa Thái Bình Dương, đủ gần lục địa châu Á để không quân Mỹ thiết lập căn cứ lớn dành cho oanh tạc cơ, trinh sát cơ và máy bay tiếp liệu, song đủ xa để gây khó khăn cho khả năng tập kích của đối phương, trừ những lực lượng sở hữu vũ khí tinh vi nhất.

Cuộc duyệt binh không có sự góp mặt của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong, cũng như mẫu ICBM dùng nhiên liệu rắn hoặc mô hình phương tiện lướt siêu vượt âm được lãnh đạo Kim Jong-un thông báo trong kỳ họp đại hội đảng Lao động Triều Tiên.

Vị trí giữa Triều Tiên và đảo Guam của Mỹ. Đồ họa: Sky News.

Vị trí giữa Triều Tiên và đảo Guam của Mỹ. Đồ họa: Sky News.

Phần lớn tên lửa được ra mắt trong lễ duyệt binh là các vũ khí chiến thuật với tầm bắn dưới 1.000 km từng được Triều Tiên bắn thử nhiều lần, bao gồm pháo phản lực siêu lớn và những tên lửa đạn đạo chiến thuật có vẻ ngoài giống mẫu Iskander Nga và ATACMS Mỹ. Một mẫu tên lửa chiến thuật mới cũng xuất hiện ở cuối đoàn duyệt binh, với tầm bắn ước tính 700-900 km.

“Có vẻ Kim Jong-un hài lòng với việc chỉ phô diễn SLBM cỡ lớn, cùng các tên lửa chiến thuật trên mặt đất trong lần này”, Elleman nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới