Đối với Trung Quốc, lâu nay Nhật Bản thường kín tiếng, nhất là những sự kiện liên quan đến Biển Đông. Ngay cả những hành động lấn lướt, bắt nạt các nước láng giềng, ngang nhiên quân sự hóa các đảo, đá ở Biển Đông, Nhật Bản cũng chỉ nêu vấn đề chung chung. Vậy mà mới đây Tokyo đã bất ngờ phản ứng mạnh mẽ.
Theo một thông tin nóng hổi vừa đăng trên trang Japan Times, Nhật Bản vừa gửi công hàm lên Liên hợp quốc. Nội dung công hàm kịch liệt với tố cáo Trung Quốc đã và đang có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng đến hòa bình, tự do hàng hải trên Biển Đông.
Công hàm nêu trên được gửi đi vào ngày 19/1, trong đó nội dung chủ yếu là bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc. Cụ thể, Bắc Kinh đã trắng trợn tuyên bố: “Việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở lãnh hải trên các đảo và đá ngầm có liên quan ở Biển Đông là phù hợp với UNCLOS và quốc tế chung pháp luật”. Quan điểm sai trái này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu trong công hàm Verbale số CML63/2020 và được gửi đi từ ngày 18/9/2020.
Vì sao Bắc Kinh lại xưng xưng nói ra điều phi lý ấy? Hành động xâm lấn lãnh hải, chủ quyền của các nước lân cận đã rõ như ban ngày, vậy mà Trung Quốc vẫn cho rằng “phù hợp” với UNCLOS (!) (Công ước quốc tế về luật biển -1982). Thật sự thì UNCLOS đã đưa ra các điều kiện để áp dụng các quyền lãnh hải một cách cụ thể và đầy đủ. Trong khi đó Trung Quốc đã không viện dẫn các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường lãnh hải được đề cập.
Dù giả bộ tai lành tai điếc, Trung Quốc không có bất kỳ lí do gì giúp bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có quyền hạn khẳng định quyền lãnh hải mà không đáp ứng đủ các điều kiện quy định của UNCLOS.
Trong Công hàm số CML63/2020 đầy mâu thuẫn, Trung Nam Hải đề cập đến quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thật vô lý khi “quyền tự do” đó được thực hiện trong vùng biển và vùng trời vốn không có lãnh hải và vùng trời lãnh hải của Trung Quốc. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế tại Lahaye ngày 12/7/ 2016 đã nêu rất chi tiết điều này.
Trung Quốc vẫn cố cãi chày cãi bửa khi tuyên bố, nước này không chấp nhận phán quyết của Tòa. Họ vẫn nhai nhải nói rằng Trung Quốc có “chủ quyền” trên vùng biển và vùng trời xung quanh và phía trên các đối tượng địa lý hàng hải tại nơi đây. Bắc Kinh còn ngang ngược phản đối việc máy bay Nhật Bản bay qua không phận xung quanh một số khu vực đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo Japan Times, những hành động trắng trợn của Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải của Nhật Bản tại Biển Đông đã quá sức chịu đựng của Nhật Bản. Do đó Tokyo phải thẳng thắn lên tiếng trước Liên hợp quốc, nhằm giữ gìn hòa bình, an ninh trong khu vực.
Như giọt nước tràn li, Tokyo đến lúc phải tỏ thái độ một cách dứt khoát. Chẳng là từ lâu Bắc Kinh đã tuyên truyền trong dân chúng của họ rằng: Nhật Bản đã chiếm quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) hồi Thế chiến thứ II (1945), do đó Trung Quốc gánh vác “sứ mạng quốc tế” lấy lại quần đảo này khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh (!)
Bắc Kinh còn lu loa: Việc lấy lại quần đảo Nam Sa từ sự chiếm giữ của Nhật Bản khi Thế chiến thứ II kết thúc là phần trách nhiệm của Trung Quốc trong việc lập lại “trật tự thế giới thời hậu chiến”.
Tân Hoa xã bịa đặt rằng, quốc tế đã công nhận và đề nghị trao trả lại những vùng lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật “cướp” thông qua những tuyên bố, trong đó có Tuyên bố Cairo năm 1943 và Tuyên bố Potsdam năm 1945 (!).
Trung Quốc là thế! Với tư tưởng bành trướng, lấn sâu xuống phía nam, độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh sẵn sàng biến không thành có, biến trái thành phải, gây hấn với tất cả láng giềng. Thế nhưng họ vẫn ra sức xuyên tạc, vu cáo, chìa bàn tay “hợp tác” kinh tế để che giấu những hành động phi pháp.
Hành động của Nhật Bản lúc này là đúng lúc, cần có sự hợp tác, lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, Việt Nam, Philippines và các nước trong khu vực.