Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ và trò chơi “mèo vờn chuột”?

TQ và trò chơi “mèo vờn chuột”?

Tăng cường xâm nhập vào khu vực tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thâm ý của Trung Quốc là từng bước làm suy sụp sức kháng cự của Tokyo. Cho dù điều đó khó xảy ra, nhưng cuộc đấu lâu dài với Trung Quốc đã và đang khiến Nhật Bản mệt mỏi. Sau Nhật Bản, Bắc Kinh lại giở ngón bài này với Đài Loan?

Máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan.

Nhật Bản là một cường quốc. Điều đó đã hẳn. Nhưng Trung Quốc đã soán ngôi Nhật để thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. “Nhà có điều kiện”, Trung Quốc lập tức triển khai chiến thuật “lấy thịt đè người”. Nghĩa là cậy đông, cậy nhiều để gia tăng ảnh hưởng và áp chế các quốc gia, đối thủ khác.

Trước năm 2008, chỉ khoảng mươi lăm vụ tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật. Năm 2012, việc Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo này khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Để trừng trị kẻ dám thách thức yêu sách của mình, Trung Quốc gia tăng gấp nhiều chục lần sự hiện diện các tàu hải cảnh trong khu vực quần đảo trên.

Từ năm 2013 đến năm 2018, báo chí phương tây thống kê: Bình quân mỗi năm có 720 lượt tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp Điếu Ngư/Senkaku. Thậm chí, năm 2020, con số này lên tới 1.157 tàu, tăng hơn 5% so với năm 2019, gần gấp 3 lần so với năm 2012.

Không chỉ “làm loạn” mặt nước, Trung Quốc còn “làm loạn” vùng trời. Trên vùng trời khu vực này, hàng trăm lượt máy bay Trung Quốc suốt ngày qua lại, gầm rú.

Dĩ nhiên, Tokyo không thể bịt tai và thúc thủ. Để khẳng định chủ quyền, Tokyo phải điều máy bay bám đuổi, ngăn chặn. Trò chơi được ví như “mèo vờn chuột” giữa hai bên. Chỉ có điều, ngắn thì được. Còn một khi cuộc chơi này kéo dài, Nhật Bản không chỉ tốn kém, mà còn quá mệt mỏi trước lượng tàu chiến, máy bay của Trung Quốc nhiều tới mức vượt trội.

Tất nhiên, câu chuyện chưa kết thúc, vì Nhật Bản còn đồng minh chiến lược là Mỹ. Một khi Mỹ nhúng tay vào, câu chuyện có thể đổi theo chiều hướng khác, trong đó, Trung Quốc có thể phải trả giá cho sự dai hoi, lỳ lợm của mình.

Gần đây, quân đội Trung Quốc cũng tăng cường xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Tây Bắc (ADIZ) của Đài Loan. Số liệu được Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (được chính quyền Đài Loan tài trợ), vừa công bố cho thấy: Năm 2020, quân đội Trung Quốc đã xâm phạm ADIZ của Đài Loan với  tần suất được cho là dày đặc tới 380 chuyến bay trong 91 ngày.

Sự gia tăng khiêu khích của Trung Quốc đối với Đài Loan chắc chắn không thể không liên quan những động thái quân sự của Mỹ tại khu vực, nhất là các vụ mua bán vũ khí. Tháng 10 năm 2020, Mỹ từng bán 1,8 tỉ USD cho Đài Bắc. Trong số này có 135 tên lửa AGM-84H có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa. Ngày 7-12, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thông báo cho quốc hội nước này kế hoạch bán Hệ thống Thông tin Liên lạc Chiến trường và các thiết bị liên quan trị giá 280 triệu USD cho Đài Loan – thông tin khiến Trung Quốc lồng lộn.

Cũng Mỹ, cùng các thương vụ dồn dập mua, bán vũ khí, cũng dồn dập không kém là các chuyến đi qua eo biển Đài Loan của các chiến hạm tối tân. Trước mỗi động thái quân sự này, Mỹ thường tuyên bố đây là hoạt động “thường lệ”, họ có quyền…Tuy nhiên, dư luận thừa hiểu, việc chiến hạm Mỹ nghênh ngang tại một khu vực hết sức nhạy cảm như eo biển Đài Loan chính là sự “dằn mặt”, thách thức của Washington đối với Bắc Kinh.

Nhận định của giới chuyên gia quốc tế rằng Mỹ là nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích vùng nhận dạng phòng không Tây Bắc của Đài Loan không sai. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa. Đó là: hiệu quả cuộc chơi “mèo vờn chuột” với Nhật Bản dường như khiến Bắc Kinh đắc ý và hăng máu, mang ngón bài này áp dụng trong quan hệ với Đài Loan.

Cũng như Nhật Bản, trò chơi “mèo vờn chuột” có thể khiến Đài Loan mệt lử. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc cần phải tính đến là, biết đâu, sự quấy nhiễu, gây hấn của Trung Quốc lại khiến Đài Loan mạnh tay xuống tiền hơn trong các thương vụ mua bán vũ khí khổng lồ với Mỹ?

Đó là chưa kể, Mỹ cũng có thể vin vào đó để cho rằng: Sự gây hấn của Trung Quốc đe dọa an ninh Đài Loan – người đồng minh của mình – nên sẽ chẳng cần phải dè dặt cung cấp cho hòn đảo này thêm nhiều nữa các loại vũ khí tối tân khác?

RELATED ARTICLES

Tin mới