Trước năm 1972 Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam khoảng hai nghìn quả tên lửa SAM-2. Về mặt lý thuyết SAM-2 đủ khả năng tiêu diệt các loại máy bay của Mỹ kể cả máy bay B52.
Tên lửa SAM-2 trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Tên lửa SAM-2 có tầm bắn cao 30.000 mét, trong khi đó B52 có độ bay cao hơn 10.000 mét. Các bệ phóng tên lửa của Liên Xô trước đây là bệ cố định, nhưng khi sang Việt Nam, ta đã cải tiến thành bệ xoay có thể bắn máy bay ở bất kỳ hướng nào. Vì vậy tên lửa SAM -2 đã góp phần quan trọng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Năm 1967, trong cuộc chiến tranh giữa các nước Ả Rập với Israel, Liên Xô đã viện trợ cho các nước Ả Rập nhiều tên lửa SAM -2. Khi Israel thắng trận họ đã thu được khá nhiều tên lửa SAM-2. Israel là đồng minh thân cận của Mỹ, được Mỹ cung cấp nhiều vũ khí trong chiến tranh. Vì vậy khi đó dựa trên việc nghiên cứu SAM-2 do Israel thu được Mỹ đã tìm cách vô hiệu hóa SAM-2, đặc biệt là bằng các thiết bị gây nhiễu trên máy bay của Mỹ, nhất là gây nhiễu của máy bay B52.
Trước năm 1972, máy bay B52 của Mỹ chủ yếu hoạt động đánh phá ở Nam vĩ tuyến 17. Để nhận hết tín hiệu B52, quân chủng Phòng không- không quân đã phải đưa các xe radar vào gần vĩ tuyến 17 để cho các trắc thủ radar có thể phát hiện được B52 trên màn hình trong hàng đống nhiễu do máy bay Mỹ thực hiện. Khi các đài radar phát sóng, máy bay Mỹ có thể nhận hết qua sóng và dùng tên lửa tiêu diệt các đài radar. Hàng trăm chiến sĩ radar của Việt Nam đã phải hi sinh để chuẩn bị cho cuộc chiến chống B52.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo là chắc chắn là Mỹ sẽ dùng B52 đánh phá miền bắc, nhất là Hà Nội và Hải Phòng và Mỹ sẽ chỉ xuống thang rút quân khi bị thua trên bầu trời Hà Nội.
Sau khi bác Hồ kính yêu đi xa, thực hiện lời di huấn của Bác, Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân tích cực chuẩn bị phương án đánh B52. Khi chúng tấn công miền bắc. Bộ đội tên lửa nghiên cứu tìm cách đánh bằng tên lửa SAM-2 khi bị máy bay Mỹ gây nhiễu. Bộ đội tên lửa lúc đó gọi là vén nhiễu tìm B52.
Đồng thời lúc đó ta cũng đề nghị Liên Xô viện trợ tên lửa SAM-3. So với tên kửa SAM-2 thì tên lửa SAM-3 hiện đại hơn và có độ chính xác rất cao khi tiêu diệt mục tiêu. Đầu năm 1972, được Liên Xô đồng ý, Quân chủng Phòng không – Không quân thành lập hai trung đoàn 276 và 277 đi sang Liên Xô học tập và tiếp nhận tên lửa SAM-3.
Khả năng Mỹ có thể dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng vào cuối năm 1972 đã được dự báo. Vì vậy việc huấn luyện cho hai trung đoàn 276 và 277 rất khẩn trương. Theo nguyên tắc để có thể sử dụng hiệu quả SAM-3 thì bộ đội phải được học tập và huấn luyện trong 18 tháng. Nhưng Quân chủng phòng không – Không quân đề nghị Liên Xô rút ngắn thời gian học tập, huấn luyện còn 8 tháng làm cho các sĩ quan Liên Xô rất e ngại và nghi ngờ hiệu quả.
Nhưng bằng quyết tâm rất cao, sẵn sàng học tập, huấn luyện cả ngày lẫn đêm, không có ngày nghỉ của các sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam, các giáo viên sĩ quan của Liên Xô cũng tận tình giúp đỡ. Sau 8 tháng học tập, huấn luyện, kết quả kiểm tra bắn thử của Bộ đội Việt Nam đạt kết quả chính xác rất cao. Liên Xô hoàn toàn yên tâm khi chuyển giao tên lửa SAM-3 cho bộ đội Việt Nam. Ta tổ chức tiếp nhận tên lửa ngay tại Liên Xô và chuyển theo đường tàu hỏa về Việt Nam. Hai trung đoàn 276 và 277 cũng lập tức lên đường về nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu đánh B52 bằng tên lửa SAM-3.
Hai trung đoàn về đến Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 1972. Theo lịch trình tên lửa chở theo tàu hỏa từ Liên Xô qua Trung Quốc về đến Việt Nam trong 5 ngày, nghĩa là vào đầu tháng 12. Nhưng đến 18 tháng 12 khi Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng thì tên lửa SAM-3 vẫn nằm đâu đó trên đường.
Cán bộ chiến sĩ trung đoàn 276 và 277 lòng nóng như lửa đốt, chờ đợi ở cửa khẩu Việt Trung để đón nhận SAM-3, trong khi đó Bộ đội tên lửa của ta bằng chiến thuật vạch nhiễu tìm B52 đã chiến đấu rất hiệu quả. Trong cuộc tấn công này Mỹ đã huy động tới hơn 700 lượt B52 đánh phá miền bắc. Ta đánh máy bay Mỹ bằng SAM-2, các loại súng, pháo phòng không trong khi tên lửa SAM-3 có độ chính xác cao lại chưa thể về đến Việt Nam.
Cuối cùng thì SAM-3 cũng đã về đến Việt Nam trong niềm vui sướng của bộ đội 2 Trung đoàn 276, 277 và tất cả bắt tay ngay vào việc lắp ráp để chiến đấu. Nhưng khi SAM-3 đã sẵn sàng vào trận thì cũng là ngày Mỹ tuyên bố dừng chiến dịch dùng không quân đánh phá miền Bắc và sau đó chấp nhận ngồi vào đàm phán tại hội nghị Pari.
Cho đến mãi sau này, nhiều cán bộ quân chủng Phòng không- Không quân vẫn chưa lý giải được vì sao lịch trình có 5 ngày mà phải mất gần một tháng tên lửa SAM-3 đi qua Trung Quốc mới về đến Việt Nam. Trước đó các loại vũ khí kể cả SAM-2 khi vận chuyển từ Liên Xô qua Trung Quốc đều bị Trung Quốc bớt lại để nghiên cứu và trang bị cho quân đội Trung Quốc.
Lần này phải chăng ngoài lý do như các lần trước khi vũ khí Liên Xô viện trợ cho Việt Nam mà Trung Quốc “ăn chặn”, còn có thể có lý do nữa là trước đó Tổng thống Mỹ đã thăm Trung Quốc và họ đã có những thỏa thuận ngầm.
Nếu SAM-3 về kịp tham gia chiến đấu thì số B52 của Mỹ không chỉ có 34 chiếc bị tiêu diệt.