Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột vài gợi ý liên quan đến quần đảo Hoàng Sa

Một vài gợi ý liên quan đến quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông được coi là tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách đây 47 năm, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa gây ra cuộc chiến đẫm máu cho lực lượng hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi đó đang thực thi quyền quản lý đối với quần đảo này theo Hiệp định Geneve năm 1954. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ra sức bồi đắp, mở rộng các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa biến chúng thành những căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Đáng chú ý, trong năm 2020 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã liên tục tiến hành diễn tập quân sự xung quanh quần đảo này. Đặc biệt, trong cuộc tập trận vào cuối tháng 8/2020, Trung Quốc còn bắn ra vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa 2 tên lửa đạn đạo khiến cộng đồng quốc tế hết sức bất bình. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra Tuyên bố phản đối hành động hung hăng này của Trung Quốc, cho rằng việc làm này của Trung Quốc là nhằm “khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”, càng gây thêm bất ổn cho tình hình Biển Đông.

Mặc dù Bắc Kinh đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và luôn coi rằng “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không có tranh chấp”, đồng thời không chấp nhận thông qua cơ quan tài phán giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông gây khó khăn cho Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều động thái mới trong năm 2020 đã tạo thuận lợi hơn cho Hà Nội.

Một là, Mỹ có sự điều chỉnh quan điểm của mình xung quanh vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, giữa lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang ở thế yếu trong chiến dịch giải phóng miền Nam của chính quyền Bắc Việt, Mỹ đã “làm ngơ” cho nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa để đổi lấy việc cải thiện quan hệ và tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.

Trong những năm tiếp theo, mặc dù đã nhận thấy sai lầm khi “bật đèn xanh” để Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, song chính quyền Mỹ nhiều lần tuyên bố “không ủng hộ bên nào” hay “giữ trung lập” trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Chính quan điểm này của Mỹ trong nhiều năm đã giúp Trung Quốc rảnh tay biến quần đảo Hoàng Sa thành pháo đài quân sự ở Biển Đông và từ đó khống chế Biển Đông, kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch ở Biển Đông, đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.

Trước việc Trung Quốc leo thang hung hăng, hành động ngày càng hiếu chiến, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông, nhằm khẳng định các yêu sách phi lý ở Biển Đông, Washington đã từng bước điều chỉnh quan điểm của mình liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Trong các tuyên bố gần đây, chính quyền Mỹ đã không còn nhắc đến việc “giữ trung lập” hoặc “không ủng hộ bên nào” trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như trước đây.

Đặc biệt, Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7/2020 đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biên Đông. Cùng với Tuyên bố nói trên, trong năm 2020 lực lượng hải quân Mỹ tăng cường chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong 9 lần Mỹ tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông thì có 5 lần là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhiều nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý nhiều lần tàu chiến Mỹ đi cắt ngang qua quần đảo và đi sâu vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể thuộc Hoàng Sa. Đồng thời, Người phát ngôn hạm đội 7 của Mỹ còn tuyên bố rõ ràng rằng, mục tiêu của FONOP là thách thức đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Hoàng Sa.

Sau khi ra Tuyên bố hôm 13/7/2020, các quan chức cấp cao Mỹ như Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh, Bộ trưởng Quốc phòng nhiều lần bày tỏ đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông để bảo vệ chân lý và luật pháp quốc tế. Như vậy, những động thái mới của Mỹ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong năm 2020, nhất là việc công khai tuyên bố thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Hoàng Sa nói riêng thể hiện rõ Mỹ không còn “trung lập” đối với các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm tranh chấp Hoàng Sa. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ ra Tuyên bố phản đối mạnh mẽ Trung Quốc tập trận và bắn tên lửa ra khu vực Hoàng Sa cũng là một việc làm chưa từng có từ trước tới nay.

Hai là, Úc chính thức gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trong công hàm ngày 23/7/2020 gửi lên Liên hợp quốc, Úc bày tỏ không chấp nhận khẳng định của Trung Quốc trong Công hàm ngày 17/4/2020 rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được “cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”. Công hàm của Úc còn lưu ý “đã có các phản đối của Việt Nam trong Công hàm số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 và của Philippines trong Công hàm số 000192-2020”.

Việc Úc lên tiếng phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi” là một điểm rất mới trong quan điểm của Úc về tranh chấp Biển Đông. Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng đây cũng chính là điểm khác biệt của Úc so với Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Trong khi dường như Mỹ vẫn còn giữ quan điểm “trung lập” và không đưa ra ý kiến đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông (kể cả trong công thư gửi Liên hợp quốc hôm 01/6 và trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ hôm 13/7/2020) thì Úc chỉ ra một cách rất rõ ràng trong công hàm của mình rằng Trung Quốc nói yêu sách chủ quyền của họ đã được “quốc tế thừa nhận” chỉ là một sự ngộ nhận, bịa đặt.

Với nội dung này, có thể coi Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới lên tiếng chính thức không thừa nhận hay nói cách khác là bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Rõ ràng việc Úc phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là có lợi cho Hà Nội trong cuộc đấu tranh với nhà cầm quyền Bắc Kinh, bảo vệ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ba là, tiếp theo Úc, Malaysia là nước thứ hai chính thức lên tiếng bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa trong công hàm số HA26/20 gửi lên Liên hợp quốc hôm 29/7/2020 phản đối công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc.

Công hàm ngày 29/7/2020 có đoạn viết: “Chính phủ Malaysia cho rằng yêu sách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các thực thể địa lý biển ở Biển Đông không có cơ sở theo luật quốc tế. Do đó, Chính phủ Malaysia bác bỏ toàn bộ nội dung Công hàm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Nội dung này bao hàm ý nghĩa Malaysia bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với cái gọi là “Tứ Sa”, bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc nêu ra trong công hàm của họ ngày 12/12/2019 bởi các thực thể địa lý ở Biển Đông rõ ràng là bao gồm cả các thực thể trong quần đảo Hoàng Sa.

Các nhà quan sát cho rằng, là một bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp quần đảo Trường Sa, việc Malaysia bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Trường Sa là điều bình thường. Nhưng việc Malaysia bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là vấn đề hết sức đáng chú ý, bởi đây là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc không liên quan trực tiếp đến Malaysia.

Một số nhà phân tích còn cho rằng với cách thể hiện nội dung trong công hàm bác bỏ các yêu sách chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông, thì vô hình chung Malaysia đã ra mặt ủng quan điểm của Việt Nam, phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Việc làm của Malaysia như tiếp thêm sức mạnh cho Hà Nội trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa.

Tóm lại, với những diễn biến mới ở Biển Đông, nhất là những động thái kể trên liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, vấn đề tranh chấp quần đảo Hoàng Sa không chỉ còn là vấn đề song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc mà nó đang từng bước được quốc tế hóa. Rõ ràng Việt Nam không còn đơn độc trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Vậy Hà Nội cần làm gì vào lúc này? Là một người sống ở nước ngoài xin đóng góp một vài ý kiến để chính quyền Hà Nội có thể tham khảo:

Thứ nhất, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ những diễn biến mới xung quanh vấn đề quần đảo Hoàng Sa trong năm 2020 để đưa ra sách lược phù hợp trong cuộc đấu tranh với Bắc Kinh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Cần triệt để tận dụng xu hướng quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nổi lên trong năm 2020, trước hết cần vận động các nước khác tiếp tục bày tỏ quan điểm xung quanh các tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

Chẳng hạn như vận động Pháp lên tiếng về vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa. Pháp hiểu rất rõ về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, hiện tại Pháp còn lưu giữ nhiều tài liệu chứng minh việc Pháp đã từng cai quản Hoàng Sa (xây trạm khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa, khai thác nguồn tài nguyên ở Hoàng Sa và thực hiện các biện pháp hành chính thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa như cấp giấy chứng sinh cho những trẻ em được sinh ra ở Hoàng Sa…). Chỉ cần Pháp chính thức công khai hóa các tài liệu liên quan kể trên, có thể giúp quốc tế có cách nhìn nhận đúng đắn về chủ quyền liên quan đến Hoàng Sa. Trong khi Pháp đang muốn phát huy vai trò ở khu vực, Hà Nội lại có quan hệ tốt với Pháp nên hoàn toàn có thể vận động Pháp có hình thức công khai hóa các tài liệu liên quan đến Hoàng Sa đang được lưu giữ tại Pháp.

Tiếp tục vận động Mỹ lên tiếng chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở khu vực ngày càng gay gắt và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm Hoàng Sa ngày càng hung hăng thì Hà Nội hoàn toàn có thể vận động Mỹ lên tiếng về vấn đề này; tiếp tục khuyến khích chính quyền của Tổng thống Biden duy trì các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, vận động các nước khác như Úc, Anh, Pháp, Nhật, Ấn Độ… cùng có các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực Hoàng Sa bởi chính các hoạt động này khiến vấn đề tranh chấp Hoàng Sa ngày càng được quốc tế hóa, giúp cho Hà Nội không bị đơn độc trong đấu tranh với Bắc Kinh.

Thứ hai, chính quyền Hà Nội nên tính tới việc khởi kiện Trung Quốc xung quanh vấn đề Hoàng Sa, nhiều nội dung liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa mà Hà Nội có thể khởi kiện Trung Quốc.

Có một khó khăn là việc khởi kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền cần phải có sự đồng ý của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh luôn phản đối việc thông qua cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp Biển Đông, việc khởi kiện của Việt Nam về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa sẽ không được xét xử. Mặc dù vậy, chỉ cần Hà Nội khởi kiện Trung Quốc ra Tòa đã thể hiện rõ chính nghĩa thuộc về phía Việt Nam đẩy Bắc Kinh vào thế bất lợi trong con mắt cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa cùng với việc khởi kiện, Việt Nam có thể công bố các chứng cứ tài liệu liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ càng bất lợi khi không đưa ra được các căn cứ pháp lý liên quan.

Mặt khác, nếu chưa khởi kiện về vấn đề chủ quyền, Hà Nội hoàn toàn có thể khởi kiện phía Trung Quốc một số vấn đề liên quan như “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trái với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 hay khởi kiện về quy chế các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, về hành động ngang ngược vô nhân đạo của Bắc Kinh đối với ngư dân Việt Nam cũng như lệnh đánh bắt cá đơn phương bất hợp pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Những nội dung này có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và chắc chắn sẽ được Tòa xem xét mà không cần sự chấp thuận của Trung Quốc (như trong vụ kiện của Philippines). Việc Mỹ công khai phản đối “đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc và liên tiếp tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý các cấu trúc thuộc Hoàng Sa có ý nghĩa hỗ trợ Việt Nam trong việc khởi kiện về các nội dung nói trên.

Việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa là một biện pháp quan trọng để quốc tế hóa vấn đề Hoàng Sa, phá vỡ mưu toan của Bắc Kinh đối với Biển Đông nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Giữa những ngày chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ở quê hương, là người sống ở xa đất nước, xin đóng góp một số gợi ý để chung tay bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới