Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ rót tiền cứu quốc gia "sân sau" khỏi bẫy nợ TQ

Mỹ rót tiền cứu quốc gia “sân sau” khỏi bẫy nợ TQ

Mỹ đã ký thỏa thuận giúp Ecuador thanh toán một phần nợ với Trung Quốc và loại bỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Mỹ Latinh.

Đập thủy điện Coca Codo Sinclair 1,7 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư và xây dựng đẩy Ecuador vào khó khăn.

Ngày 14/1, Mỹ quyết định thanh toán một phần khoản nợ của Ecuador với Trung Quốc để quốc gia Mỹ Latinh này có thể cắt đứt quan hệ với các hãng viễn thông Trung Quốc.

Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), cơ quan được chính phủ Mỹ rót ngân sách, đã cấp cho Ecuador số tiền 2,8 tỷ USD. Người đứng đầu DFC, Adam Boehler, cho biết số tiền này sẽ được dùng để chi trả một phần khoản nợ của Ecuador với Trung Quốc, đồng thời củng cố liên minh giữa Ecuador và Mỹ.

Theo Asia Times, động thái của DFC mang tính chính trị nhiều hơn kinh tế. Sự phát triển của Ecuador chỉ là lý do thứ yếu cho khoản viện trợ của Mỹ. Điều quan trọng nhất là Mỹ muốn xóa bỏ tầm ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị của Trung Quốc khỏi khu vực Mỹ Latinh.

Boehler, một người bạn thân thiết của gia đình cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã “tiếp quản” DFC. Kể từ đó, cơ quan này thúc đẩy chương trình nghị sự cứng rắn chống lại Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Sau khi DFC được thành lập vào năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát triển dự án có tên gọi “Tăng trưởng tại châu Mỹ”. Mục tiêu chính của dự án là sử dụng các nguồn vốn của chính phủ Mỹ, với sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, nhằm đẩy lùi các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ra khỏi khu vực châu Mỹ. Ecuador được xem là “bằng chứng” thành công nhất gần đây cho chính sách trên của Mỹ.

Thỏa thuận “tỷ đô” với Mỹ

Theo thỏa thuận khung được ký kết giữa DFC và chính phủ Ecuador hôm 14/1, quốc gia Mỹ Latinh đã đồng ý tham gia chiến dịch “Mạng lưới Sạch” của Washington để loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của mình.

Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động chiến dịch “Mạng lưới Sạch” để đẩy Huawei và các hãng viễn thông khác của Trung Quốc ra khỏi mạng lưới 5G trên toàn thế giới. Cho đến nay, khoảng 60 quốc gia, đại diện cho hơn 2/3 nền kinh tế thế giới, và 200 công ty viễn thông đã tham gia liên minh này.

“Thỏa thuận khung này cho phép DFC hỗ trợ các dự án đảo nợ của Trung Quốc và giúp Ecuador cải thiện giá trị các tài sản chiến lược của nước này. Chúng tôi tự hào hợp tác với Ecuador để thúc đẩy dự án chiến lược và quan trọng với một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Tây Bán cầu”, Giám đốc điều hành DFC Adam Boehler cho biết trong tuyên bố hôm 14/1.

Ông Boehler mô tả thỏa thuận này là một “mô hình mới” nhằm loại bỏ Trung Quốc ra khỏi các nước Nam Mỹ.

Theo thỏa thuận, DFC sẽ hợp tác với các tổ chức tài chính tư nhân khác nhằm tạo ra một “phương tiện” đặc biệt để mua lại các tài sản cơ sở hạ tầng và dầu mỏ từ chính phủ Ecuador. Theo Financial Times, với số tiền thu được, chính phủ Ecuador có thể trả nợ Trung Quốc sớm hơn so với thời hạn được thống nhất trước đó.

DFC thông báo cơ quan này sẽ xem xét tài trợ cho các dự án phát triển trong tương lai ở Ecuador sau một “quá trình thẩm định sâu rộng và kỹ lưỡng”.

“Theo khuôn khổ thỏa thuận, khoảng 2,8 tỷ USD sẵn sàng duyệt chi cho các dự án”, DFC tuyên bố.

Chiến lược của Trung Quốc

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, cuộc khủng hoảng nợ tại các nước đang phát triển đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tổng số nợ nước ngoài của các nước đang phát triển ước tính khoảng 11.000 tỷ USD. Ecuador được cho là đang nợ nước ngoài 52 tỷ USD.

Vào giữa năm 2020, Tổng thống Ecuador cố gắng huy động tài chính thông qua các tổ chức đa phương và Trung Quốc để trả khoản nợ 17 tỷ USD. Ecuador cũng gặp hàng loạt khó khăn như giá dầu giảm, đại dịch Covid-19, sức ép từ các tập đoàn dầu khí hay bất ổn chính trị, khiến nước này gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư đã gia tăng mạnh mẽ trong suốt thập niên vừa qua.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã tiếp cận chính phủ của nhiều nước Mỹ Latinh, đề nghị xây dựng và cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại nước sở tại để đổi lấy việc cắt đứt quan hệ với Mỹ. Nhiều quốc gia đã đồng ý và đang phải gánh các khoản vay lãi suất cao của Trung Quốc.

Theo Epoch Times, trong những năm gần đây, các hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Mỹ Latinh.

“Các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Alibaba và BYD đang nhanh chóng mở rộng hoạt động ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Tập đoàn Tecent khổng lồ của Trung Quốc đang trở thành nguồn cung tài chính mới nổi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương”, báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ ngày 19/cho biết.

Báo cáo của Mỹ cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng đối với dư luận ở các khu vực trên bằng cách hợp tác với các hãng truyền thông địa phương để lồng ghép quan điểm của Bắc Kinh vào nội dung tin tức của các hãng này.

Năm 2018, New York Times từng đưa tin Ecuador phải “vật lộn” để thanh toán các khoản vay trị giá 19 tỷ USD cho Trung Quốc để xây dựng một con đập gây tranh cãi và các dự án cầu, đường cao tốc, tưới tiêu và các dự án khác…

Bất chấp những khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro, Ecuador cũng đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của Trung Quốc vào tháng 12/2018. Ecuador ngay lập tức vay thêm Trung Quốc 900 triệu USD và nhận hơn 69 triệu USD để tái thiết và 30 triệu USD viện trợ không hoàn lại.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc được cho là đã đẩy nhiều nước rơi vào “bẫy nợ” thông qua BRI. Kể từ khi khởi động vào năm 2013, BRI đã rót hàng tỷ đô la vào các nước đang phát triển nhằm giúp xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Cho đến nay, 18 nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã tham gia BRI.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch tăng gấp đôi thương mại song phương với các nước Nam Mỹ, lên 500 tỷ USD vào năm 2025 và tăng đầu tư BRI vào khu vực này lên 250 tỷ USD.

Năm ngoái, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng địa chính trị thông qua các hoạt động cho vay “mang tính săn mồi”.

Nhận định trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung vào tháng 2/2020, Cynthia Watson, trưởng khoa tại Đại học Chiến tranh Quốc gia, cho biết “mối quan tâm của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh gồm bảo đảm việc tiếp cận lâu dài với nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và lương thực” cũng như “tăng cường các liên kết ngoại giao để hỗ trợ vai trò mới nổi của Trung Quốc như một nhà lãnh đạo toàn cầu”.

Bà Watson cho rằng Bắc Kinh cũng muốn xóa bỏ “sự công nhận về mặt ngoại giao còn lại đối với Đài Loan” tại khu vực Mỹ Latinh, cũng như tiếp tục thúc đẩy “tham vọng của Trung Quốc trong việc thế chân Mỹ trở thành cường quốc nước ngoài then chốt” trong các mối quan hệ lâu dài ở khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới