Danh sách các quốc gia tham gia “cuộc chiến công hàm” phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đã thêm Nhật Bản. Xét về tính thời điểm, liệu có thể coi, đây là món quà của xứ Phù Tang nhằm lấy lòng ông chủ mới của Nhà trắng?
Nhật Bản sẵn sàng đối đầu tàu cá Trung Quốc ở biển Hoa Đông
Cụm từ “cuộc chiến công hàm” khởi đầu từ việc Malaysia nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa vào tháng 12/2019.
Tiếp đó, không thể khác, là Philippines, Việt Nam, Indonesia – những quốc gia nếm trải nhiều nhất sự gây hấn, quấy phá của Trung Quốc. Rồi Mỹ, Australia. Tới tháng 9 năm 2020, ba cường quốc Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, vốn “không liên quan” vì ở ngoài khu vực – theo quan điểm của Bắc Kinh – cũng đã gửi công hàm chung, thể hiện quan điểm về vấn đề Biển Đông tới Liên Hợp Quốc.
Dễ nhận thấy, dù gián tiếp hay trực tiếp, các công hàm nêu trên đều đề cập phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ kiện năm 2016 của Philippines, bác bỏ, phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông với cơ sở là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Sự trùng hợp đó cho thấy, trong cuộc tranh chấp này, thượng tôn pháp luật là các quốc gia đều đòi hỏi, coi đó là tối thượng. Còn nếu chỉ khư khư cái gọi là “bằng chứng lịch sử” như Trung Quốc luôn trương ra, cãi nhau còn lâu. Cũng vì lẽ đó, trong một hội thảo khoa học tại Nga năm ngoái, có nhà khoa học đã đề nghị gác vấn đề lịch sử sang một bên; chỉ căn cứ vào luật pháp quốc tế mới có thể giải quyết được vấn đề, làm cho Biển Đông không còn là một vùng “biển nóng”.
Trung Quốc tức giận là điều dễ hiểu. Tức với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đã đành. Càng tức hơn, khi các nước phương Tây như: Mỹ, Đức, Anh, Pháp tít tận đẩu đâu, bỗng vươn tay nhúng vào Biển Đông – nơi mà Trung Quốc, dẫu chưa đạt được, nhưng đang âm mưu biến thành “ao nhà” của mình.
Đấu với các nước trong khu vực, dù bướng bỉnh, nhưng Trung Quốc tin rằng, sức mạnh khổng lồ cùng thâm kế “đàm phán song phương” – thực chất là phân tán sức mạnh – trước sau, họ cũng bẻ vụn ý chí của mấy nước nhỏ, yếu kia.
Nhưng thêm Mỹ, rồi “bộ tam” Pháp, Đức, Anh, mọi thứ chắc chắn sẽ khó khăn hơn gấp bội, “cái lưỡi bò” của Bắc Kinh sẽ khó la liếm.
Mà nào đã xong. Vừa mới đầu năm 2021, ngày 19/1, Nhật Bản lại gửi công hàm đến tổng thư ký Liên Hợp Quốc bác bỏ các đường cơ sở Bắc Kinh vẽ ra quanh một số thực thể địa lý ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Cùng với nêu rõ mục tiêu của công hàm là nhằm đáp trả công hàm Trung Quốc đã gửi đến Liên Hợp Quốc năm 2020 để phản đối công hàm chung của 3 nước Pháp, Đức và Anh, nội dung công hàm của Nhật bác bỏ cái mà Trung Quốc khẳng định là “việc vẽ đường cơ sở phân định lãnh hải mà Trung Quốc thực hiện quanh các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (Unclos 1982) và luật pháp quốc tế nói chung”. Nói cách khác, Tokyo cho rằng, cái lý của Trung Quốc là lý “tù mù”. Tù mù nên Trung Quốc tự vạch mặt mình cho thiên hạ thấy họ thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong tư cách một quốc gia thành viên từng thò bút ký Unclos 1982.
Đồng thời, dù không đề cập trực tiếp vấn đề chủ quyền lịch sử – như đòi hỏi và yêu sách của Trung Quốc – công hàm của Nhật Bản cũng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo. Nghĩa là, nó gần giống điều mà Mỹ đã đòi hỏi dựa trên cơ sở giải thích của PCA trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016; và trong thực tế, để hiện thực hóa quan điểm này, nhiều năm nay, Mỹ không chỉ tập trận chung với các nước đồng minh trên Biển Đông, mà còn có các động thái quân sự khẳng định “quyền tự do hàng hải” trong khu vực này, khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối.
Nhật Bản với Trung Quốc, trong quan hệ chính trị, là “cơm không lành, canh không ngọt” vì những tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, đưa ra Công hàm phản đối Trung Quốc, Nhật Bản không hẳn chỉ xuất phát từ lý do trên. Nhiều khả năng, chọn điểm rơi công hàm đúng 1 ngày trước khi ông Biden ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất thế giới trong nhà Trắng, Tokyo muốn thể hiện “tình cảm”, muốn “có quà” cho cá nhân ông Biden, cũng có nghĩa là cho đồng minh Mỹ vốn đang cực kỳ khó chịu trước tham vọng và sự hợm hĩnh của Trung Quốc?.