Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ có nhiều tàu ngầm hơn Hải quân Mỹ vì Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nâng cấp lực lượng hải quân.
Một tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094 của Trung Quốc
Theo trang Popular Mechanics, Mỹ sẽ có 66 tàu ngầm vào năm 2030, so với kế hoạch của Trung Quốc là 76 chiếc. Khi đó, đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số thô.
Tốc độ phát triển của Hải quân Trung Quốc
Kể từ sau Thế chiến II, Hải quân Trung Quốc đã tích lũy một lực lượng lớn các tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu đổ bộ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tự đóng 2 tàu sân bay nội địa đầu tiên và dự án đóng chiếc thứ 3 đang được thực hiện.
Vào năm 1993, Trung Quốc sở hữu 47 tàu ngầm, bao gồm 1 chiếc mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (hữu dụng), 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Hán (hoạt động ồn ào), 34 tàu ngầm dùng nhiên liệu diesel lớp Romeo (thời Liên Xô) từ thập niên 1950 cùng 6 tàu ngầm lớp Romeo thế hệ cũ hơn.
Điều này cho thấy Trung Quốc không thực sự sở hữu đội tàu ngầm hữu dụng và tốt nhất, theo Popular Mechanics. Tuy nhiên, sau 27 năm tăng cường chi tiêu quốc phòng, đội tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn “lột xác”.
Theo báo cáo mới đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), đến năm 2019, Hải quân Trung Quốc sở hữu 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công (dùng điện-diesel). Tất cả 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân đều là loại mới. Bên cạnh đó, 42 trong số 50 tàu ngầm điện diesel cũng là loại mới Type 39A (tức tàu ngầm lớp Kilo của Nga) và tàu ngầm lớp Nguyên.
Chưa dừng ở đó, Hải quân Trung Quốc tiếp tục mở rộng đội tàu ngầm. Văn phòng Tình báo Hải quân của Hải quân Mỹ dự đoán đội tàu ngầm Trung Quốc sẽ tăng lên 76 chiếc vào năm 2030, nâng tổng số lên 76 chiếc, theo trang Naval News.
Đáng chú ý là 2 trong số các tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, theo báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc. Báo cáo lưu ý 2 tàu ngầm Type 094 đang trong quá trình nâng cấp để trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, điều này giúp tăng cường năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc lên 6 tàu ngầm.
Uy lực đội tàu ngầm Mỹ
Đội tàu ngầm Mỹ sẽ hoạt động khá ổn định trong giai đoạn 2020-2030, giảm nhẹ từ 68 chiếc xuống còn 66 chiếc.
Hải quân Mỹ có kế hoạch giảm bớt các lớp tàu ngầm, bao gồm những tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles được đóng từ thập niên 1980 và 1990, bộ ba tàu ngầm tấn công lớp Seawolf, 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio và lớp Virginia. Tất cả tàu ngầm Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tuy Hải quân Mỹ giảm nhẹ về số lượng nhưng sẽ tăng tốc đóng tàu ngầm mới sau năm 2030. Theo kế hoạch đóng tàu mới kéo dài 30 năm thì đến năm 2025, Hải quân Mỹ sẽ tăng số lượng tàu ngầm được đóng từ 2 chiếc/năm lên 3 chiếc/năm.
Số lượng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ là 50 chiếc vào năm 2025, nhưng tăng dần trở lại, đạt 61 chiếc năm 2035 và 80 chiếc năm 2051. Đến năm 2051, Hải quân Mỹ sẽ sở hữu tổng cộng 93 tàu ngầm.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ sẽ thay thế 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio bằng 12 tàu ngầm lớp Columbia mới và sẽ loại bỏ 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớp Ohio.
Điểm yếu của đội tàu ngầm Trung Quốc
Phần lớn tàu ngầm Trung Quốc chạy bằng điện-diesel, có tầm hoạt động hạn chế và không êm ái như Mỹ. Chỉ có 6 trong số 56 tàu ngầm tấn công Trung Quốc có thể vượt qua Thái Bình Dương để đe dọa các căn cứ hải quân ở bang Hawaii hoặc lục địa Mỹ.
Trong khi đó, tất cả tàu ngầm Mỹ đều có thể vượt qua Thái Bình Dương để hoạt động ngoài khơi lục địa châu Á.
Mặt khác, Trung Quốc có ít đồng minh thực sự sở hữu đội tàu ngầm, ngoại trừ Pakistan có 5 tàu ngầm già nua. Về điểm này, Hải quân Mỹ có một lợi thế khác so với Trung Quốc là các đội tàu ngầm của những đồng minh.
Chẳng hạn, Nhật Bản sở hữu 22 tàu ngầm tấn công điện-diesel, trong đó có 12 chiếc thuộc lớp Soryu (tối tân). Đồng minh Hàn Quốc có 18 tàu ngầm tấn công điện-diesel cỡ nhỏ hơn.