Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ hết hy vọng?

TQ hết hy vọng?

Thế là đã rõ, dù “mềm” hơn đôi chút, những chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, cơ bản vẫn như thời ông Trump – người tiền nhiệm của ông Joe Biden. Bằng chứng là, ngồi vào ghế tổng thống chưa ấm chỗ, tân Tổng thống Mỹ đã gửi một thông điệp “đậm mùi thuốc súng” tới Bắc Kinh.

Tiêm kích F/A-18F cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngày 20-1

Những người quan sát, theo dõi diễn tiến sự việc đều biết, thời ông Trump làm tổng thống Mỹ, Washington “rắn” với Trung Quốc như thế nào. “Rắn” cả về thái độ, tuyên ngôn và hành động. “Rắn” tới mức thế giới chứng kiến một cuộc “chiến tranh thương mại” quy mô lớn giữa hai cường quốc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Trước đó, dù không ồn ào như cuộc chiến thương mại, nhưng trong thực tế, đã âm thầm diễn ra một cuộc chiến công nghệ, cũng giữa hai quốc gia.

Thế nên, khi ông Trump thất cử, người ta chờ đợi nhiều một sự thay đổi, chí ít là “mềm” hơn nhiều của ông Biden, trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc.

Thế giới chờ. Còn Trung Quốc thì mong. Bởi dù mạnh miệng, nhưng thực sự, Trung Quốc gặp khó khi nếm các đòn trừng phạt tới tấp của ông Trump. Tất nhiên, Bắc Kinh không vừa “ăn miếng, trả miếng” sòng phẳng, nhưng xét về thế và lực, quốc gia 1,5 tỷ dân có nền kinh tế quy mô 15 nghìn tỷ đô la này vẫn dưới cơ so với quốc gia bên kia đại dương hơn 200 triệu dân, nhưng quy mô nền kinh tế tới 20 nghìn tỷ đô la/năm và đang dẫn đầu hầu hết các mũi nhọn khoa học công nghệ, trong đó có quân sự.

Bắc Kinh chọn vấn đề Đài Loan làm bài test thái độ của chính quyền ông Biden. Bởi Trung Nam Hải hiểu vấn đề Đài Loan quá nhạy cảm với cả hai bên. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời, trước sau sẽ về đại lục, bất luận bằng hình thức nào. Còn với Mỹ: Đài Loan là đồng minh. Ứng xử với hòn đảo đồng minh này không chỉ có ý nghĩa hai bên, mà còn là sự “trông vào” của các đồng minh khác. Họ xem Mỹ có là người anh “đáng tin” hay không, để mà tiếp tục mặn mà, xa lánh, hay “đu dây” kiểu Philippines. Mặt khác, thái độ của chính quyền mới của Mỹ với Đài Loan cũng thể hiện họ coi trọng, hay không coi trọng quan hệ với Trung Quốc.

Thế là Trung Quốc chủ động “đòn thử”. Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận quân sự đầu tiên trong năm 2021 tại khu vực gần Đài Loan. Lũ lượt, 8 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân, 4 máy bay chiến đấu và 1 máy bay chống tàu ngầm của Trung Quốc đã đi vào ADIZ phía Tây Nam của hòn đảo này vào hôm 23/1. Đến ngày 24/1, Trung Quốc điều tiếp 12 máy bay chiến đấu, 2 máy bay chống tàu ngầm và 1 máy bay trinh sát, mặc không quân Đài Loan đã có động thái cảnh báo.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn tới Biển Đông cùng ngày 23/1 – ngày Trung Quốc cho máy bay tới vùng ADIZ của Đài Loan. Không có bằng chứng thực việc nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông là để thách thức Trung Quốc.

Về phát ngôn, vẫn như trước, Mỹ khẳng định họ thực thi quyền “tự do hàng hải” phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, với một động thái quân sự đầu tiên chỉ sau ba ngày ông Binden chính thức vào Nhà trắng, chẳng ai ngây thơ tin rằng câu chuyện chỉ đơn giản thế.

Truyền thông quốc tế tấp nập tin, bài bình luận. Trong đó, đáng chú ý, hãng Bloomberg, cùng với dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/1 kêu gọi Bắc Kinh đối thoại và ngừng gây sức ép quân sự với Đài Loan, cho rằng: Việc điều nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan dưới thời Biden.

Một khi đã bênh đồng minh Đài Loan chằm chặp, nghĩa là trong quan hệ với Trung Quốc, khó hy vọng Mỹ sẽ “dịu dàng” hơn so với thời ông Trump vậy?

RELATED ARTICLES

Tin mới