Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóng42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Sống...

42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Sống giữa vòng vây

Cứ đến gần ngày kỷ niệm Chiến tranh biên giới phía bắc 17.2, một người đàn ông có dáng người cao ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng (H.Đan Phượng, TP.Hà Nội) lại bước đi chậm rãi với khuôn mặt nặng suy tư.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Phổ từng vang tiếng một thời

Đó là cựu chiến binh Nguyễn Quang Phổ, một người hùng ở đồn biên phòng (ĐBP) Xì Lở Lầu, tỉnh Lai Châu. Ông Phổ có cá tính hài hước, ngay cả thời điểm đạn bay như châu chấu trong chiến tranh biên giới phía bắc. Lính tráng của ông còn nhắc chuyện thủ trưởng xuống gặp dân và hỏi “cho vay gạo đánh giặc, hết chiến tranh thì trả, mà biết bao giờ hết đánh nhau với Tàu?”.

Ta kà, ngày nào nổ súng?

“Lý Chừ Sồ nó lại qua bản ta và hỏi thăm tình hình cán bộ…”, ông Phùng Văn Phu nói giọng rất khẽ với Nguyễn Quang Phổ. Năm 1978, cuộc sống ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang đói kém nhưng lại còn phải đối mặt với nạn giặc giã. Chuẩn úy Phổ nhìn ra đường thôn lốc cốc tiếng vó ngựa và đàn dê lên núi sớm. Ông Phu nâng bát rượu, đẩy thêm củi vào bếp để sưởi ấm, nhưng cái lạnh của núi rừng vẫn buốt tay, chân. Tin tức mà ông Phu báo cáo là nguồn tin quan trọng. Ông Phổ hỏi lại vài câu và cũng không nhắc vài câu với vẻ hài hước “mò qua là bị xơi ngay”.

Chiến tranh biên giới nổ ra vào ngày 17.2.1979, nhưng trước đó, từ địa bàn nằm giáp biên giới Trung Quốc, những người lính trinh sát Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng – BĐBP) như ông Phổ đã đánh hơi thấy “mùi” của chiến tranh đang tỏa nhiệt. Đó là những tên thám báo từ bên kia biên giới liên tục được tung sang dò la, nắm tình hình bố phòng ở các xã giáp biên. Xì Lở Lầu có địa thế giống như một hình tam giác và 1 mặt giáp với Trung Quốc. Nếu bị đánh úp thì các lực lượng chỉ cầm cự thời gian ngắn rồi rút về cao nguyên Dào San.

Ngồi nói chuyện, khi bếp lửa cháy chưa hết thanh củi thì ông Phổ đã đứng dậy, dắt dao găm vào lưng, gọi một đội dân quân đi cùng để “ra tay”. Gia đình bà Bút Tà Ma, người dân tộc Hà Nhì nằm cuối bản hiện ra trước mắt ông Phổ. Ông Phổ nhảy ngay lên cầu thang, vì lũ gà nhốt dưới sàn nhà thấy người đã kêu toang toác. Tên Lý Chừ Sồ đang lim dim mắt nhìn ra cửa sổ với vẻ lén lút thì bị đánh động, giật mình. Hắn đưa tay về thắt lưng rút dao găm lia một đường hình cánh cung về phía bóng người, nhưng khi cánh tay vừa đi hết đà thì đã phải hứng ngay đòn đá.

Tên Sồ biết đã đụng phải đối thủ cao tay, vì người này không hề lùi lại nửa bước mà vừa chống đỡ, tránh né và áp sát. Ông Phổ lao tới như một cơn lốc và đòn đá kia thực ra không dữ tợn bằng tiếng gầm, vẻ mặt đáng sợ. Ông Phổ cao hơn 1,71 m, 2 cánh tay dài thõng và ra đòn cũng thực sự kinh khủng. Vẻ mặt của ông cũng khiến đối tượng khiếp đảm – chiếc cằm nhọn, đôi môi hơi dài khi tức giận thì cong xuống, cánh mũi thẳng và nhọn như mũi mác nằm giữa đôi mắt nảy lửa, tiếng nói vang to như sấm. Sàn nhà bà Bút Tà Ma nhún nhảy bởi 4 bàn chân quần đảo trên những tấm ván ghép. Sau cú đỡ gạt phắt lưỡi dao đâm tới, ông Phổ đá phăng con dao ra khỏi tay Lý Chừ Sồ, lia dao găm vào bàn tay phải đối tượng. Bị áp đảo, Lý Chừ Sồ lập tức co ro như con chuột nhắt. Những dân quân có mặt, bẻ quặt tay rồi trói gô tên thám báo để dẫn giải.

Ở ĐBP Xì Lở Lầu, Nguyễn Quang Phổ không chỉ nổi tiếng là một trinh sát giỏi, rắn như đá, thông thạo từng nhà dân, từng hẻm núi, mà còn nói tiếng quan hỏa trôi chảy. Đây là ngôn ngữ mà dân tộc ở giáp biên các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai và người dân giáp biên giới của phía Trung Quốc sử dụng. Tên Lý Chừ Sồ run cầm cập và thốt ra 2 tiếng “tà cô…”, tiếng quan hỏa có nghĩa là coi ông Phổ như ông lớn. Hắn xin được tha tội và nói hết nhiệm vụ của một tên thám báo được cử sang dò la tình hình.

Ông Phổ xin ý kiến cấp trên, sau đó tha bổng cho Lý Chừ Sồ. Ông đã thu phục được hắn và tiễn hắn về, kèm lời cảnh cáo bằng việc mở chiếc máy có ghi âm lời thú tội. Lý Chừ Sồ mấp máy môi nói với ông Phổ về “ta kà”, tức điều gì đó giống như chiến tranh có thể sẽ nổ ra. Tên Sồ hứa sẽ quay trở lại… “Ta kà, ta kà” vào ngày nào? “Mùi” của chiến tranh đã bốc lên ngột ngạt, nhưng lúc nào thì chưa thể đoán biết trước.

Vay gạo đánh giặc

Ở Lai Châu, bộ binh Trung Quốc tiến sang biên giới Việt Nam vào sáng ngày 17.2.1979 ở các điểm Sì Lở Lầu và Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nậm Xe để chiếm thị xã Phong Thổ. ĐBP Xì Lở Lầu nằm dưới tầm đạn pháo. Hai sư đoàn lính Trung Quốc cùng dân binh tiến lên sau khi được pháo cối dọn đường. Đám lính trẻ như Vàng Á Páo, Lý A Sing ngồi ở dưới hầm và hỏi dồn: “Khi nào thì bọn lính Trung Quốc tràn qua biên giới?”. Vì ngồi dưới hầm nên không thể quan sát, không rõ khi nào lính bộ binh xông tới. Nỗi lo lắng khiến đám lính trẻ lo lắng. “Chưa thằng nào biết mùi đánh nhau nên cứ nhấp nhổm, cứ nhao ra là dính đạn”, ông Phổ kể lại.

Cuộc chiến diễn ra nóng bỏng. Chính trị viên Nguyễn Vũ Tráng vừa chỉ huy, vừa làm công tác chính trị. Đạn pháo vừa ngớt làn, vài cậu lính trẻ chui ra khỏi hầm, hoặc lấp ló để quan sát ra hướng biên giới. Ông Phổ thò người ra khỏi miệng hầm và quát lớn với vẻ bỗ bã và dứt khoát: “Nó đang pháo, chui vào hầm, mấy thằng kia, chết hết bây giờ!”. Khi ông vừa dứt lời thì quả đạn pháo rơi vào giữa 2 cậu lính trẻ. Đêm xuống, ông Phổ gọi người dân cùng đi nhặt hài cốt của 2 chiến sĩ mang chôn dưới giao thông hào. Ông rút chiếc dao găm luôn đeo bên hông để đào sâu chỗ nằm cho đồng đội và nói lời từ biệt.

Cả ĐBP vừa chiến đấu, vừa rút về cao nguyên Dào San, đơn vị có 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Trước giờ rút đi, ông Phổ nhô lên khỏi nắp hầm quan sát và nã súng vào toán bộ binh. “Tôi vừa bắn một loạt, thụt xuống thì nó bắn nát gốc cây sau đầu, lúc đó biết là nó đông lắm, vì nó bắn không ngớt, không tiếc đạn”, ông Phổ hồi tưởng.

Khi rút xuống cao nguyên Dào San cách đó 50 km, chuẩn úy Nguyễn Quang Phổ được phong vượt cấp lên thượng úy; từ chức Đội trưởng trinh sát được phong vượt 2 cấp, lên Đồn trưởng ĐBP Sì Lở Lầu và nhận luôn quyết định “dẫn lính quay lại bản, sống trong lòng địch, cùng chi bộ Đảng bám giữ dân”.

Trong bản là gót giày quân giặc dày xéo, ngoài rẫy là bóng của ông Phổ cùng đội công tác liên tục di chuyển để phòng bị đánh úp. Trưa ngày 6.3.1979, cuộc giao tranh tiếp diễn và chính trị viên Nguyễn Vũ Tráng hy sinh.

Cuộc họp chi bộ Đảng trong thời chiến diễn ra trong một túp lều trên rẫy ngô luôn có sự tham dự của Bí thư Đảng ủy xã Xì Lở Lầu là Chẩu Sỉ Vảng, Đảng ủy viên Vàng Phù Dung, Chủ tịch xã Phùng Văn Phu, xã đội trưởng Tẩn Quảy Ly.

“Đứa nào làm phản và gây bạo loạn thì “xúc” đứa đó!”, ông Phổ luôn nhấn mạnh với giọng điệu đáng sợ. Danh sách những tên bị cài cắm trong bản, được giao cho ông Phổ và ông bắt sạch những tên nội gián. “Ai bắt hoặc lấy được đầu của ông Phổ sẽ được thưởng 500 cái chăn con công”. Bọn địch bắt đầu treo giá và truy lùng Đồn trưởng Xì Lở Lầu. Ông Phổ không sợ hãi, vẫn giọng nói hài hước “bây bắt được thì cho ăn dao găm”. Khi tổ công tác cạn lương thực, ông Phổ quyết định vay gạo của dân, mỗi nhà 1 xing (bao vải đựng 5 – 6 cân).

“Vay gạo để chống Tàu, không biết bao giờ trả, vậy nhưng đi đâu thì dân cũng giơ ra 1 con gà, chai rượu và nói biếu cho tà cô”, ông Phổ cười và nhớ lại những ngày sống giữa vòng vây của địch trong chiến tranh biên giới phía bắc. Mỗi khi bọn địch kéo tới thì ông lại biến mất trong những ngôi nhà hoặc nương rẫy, nhanh hơn cả con báo gấm. Khi bọn địch rút đi thì ông ở đâu đó trên con đường rừng, bất thần xô ra với khẩu súng vãi đạn.

RELATED ARTICLES

Tin mới