Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhà báo Trần Hồng và câu chuyện về bức ảnh "Quân ta...

Nhà báo Trần Hồng và câu chuyện về bức ảnh “Quân ta xông lên kẻ thù đổ gục”

Trong cuộc chiến chống lại quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc nước ta có những nhà báo cả trong nước và quốc tế đã bất chấp hiểm nguy để chuyển tải được những thông tin nóng hổi của mình đến với bạn đọc, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Việt Nam.

Bức ảnh nổi tiếng “Quân ta xông lên kẻ thù đổ gục” của tác giả – nhà báo Trần Hồng.

“Quân ta xông lên kẻ thù đổ gục”

 Đó là chú thích của bức ảnh để đời do Đại tá, nhà báo Trần Hồng chụp cách đây đã hơn 40 năm, trong cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại quân xâm lược Trung Quốc trên vùng biên giới phía Bắc.

Nhớ lại những ngày chiến tranh biên giới nhà báo Trần Hồng kể, sau chiến thắng 1975, ông về quê vợ ở Tiên Du (Bắc Ninh) sinh sống. Nhưng vào sáng sớm ngày 17/2, khi nghe được bản tin đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông tin Trung Quốc tấn công xâm lược nước ta một lần nữa. Ông bảo vợ, ông phải lên biên giới để đưa tin về cuộc chiến. Vợ ông là người hiểu tính chồng, nấu cho ông mấy bát gạo xôi để ăn đường. Ông đi bộ ra bưu điện thị trấn Lim, gọi điện về tòa soạn, báo cáo mình lên vùng chiến sự Lạng Sơn. Tới nơi, ông may mắn được theo cánh quân của Sư đoàn 3. Nhưng khi quân ta đi cản địch, chỉ huy đơn vị dứt khoát không cho ông đi theo với lý do ngoài trận mạc tên bay đạn lạc, không có người đảm bảo an toàn được cho nhà báo.

Khi đó, nhà báo Trần Hồng đã nói: “Tôi là một người lính, vũ khí của tôi là máy ảnh, và tôi cần phải chiến đấu trên mặt trận thông tin”. Lúc đó, thông tin đúng là mặt trận. Những ngày đầu, tin tức về vùng chiến sự liên tục được cập nhật trên báo chí, những con số về ta tiêu diệt địch dày đặc, nhưng tuyệt nhiên chưa có một hình ảnh nào về thực tế trên chiến trường, điều mà báo chí lúc đó đang rất săn tìm. Hình ảnh về quân địch như thôi thúc Trần Hồng phải chụp bằng được.

Nhưng ở trong vùng chiến sự tại km số 3 Đồng Đăng đến 3 ngày, Trần Hồng vẫn chưa chụp được một bức ảnh nào về thất bại của quân địch. Trinh sát của ta báo, nhiều xác địch chết nhưng đều lọt dưới khe núi, cùng với thời gian tiếp cận trận địa thường vào chiều tối, lúc đó chụp ảnh cực kỳ khó và không thể có những tấm hình lột tả được sự thất thủ của đối phương. Bị kẹt ở chiến trường tới ngày thứ 3, nhà báo Trần Hồng quyết định bám theo bộ đội chiến đấu của ta ngay từ đầu.

“Tôi đi theo một mũi chiến đấu, lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đang nấu cơm cho bữa tối thì đụng phải mũi tấn công của địch. Hai bên đấu súng giáp lá cà, quân Trung Quốc đông hơn, nhưng tấn công không mạch lạc, bị bộ đội của ta đẩy lùi, khi nghe tiếng xung phong của quân ta, tôi cũng ào lên theo một mũi chiến đấu. Chạy được vài bước, tôi thấy một tên địch đang giãy giụa vì bị thương, tôi lập tức đưa máy ảnh ra chụp. Lúc đó tôi muốn chụp thêm một kiểu đặc tả khuôn mặt thất thần của kẻ xâm lược, nhưng người bị thương đó nhắm mắt không tài nào chụp được. Nhưng hình ảnh xác lính Trung Quốc đã được tôi thu vào ống kính của mình rồi” – Trần Hồng kể.  “Săn” được xác giặc, ông tức tốc trở về tòa soạn để đăng ảnh cho kịp thời sự.

Từ vùng chiến sự Đồng Đăng về Báo Quân Đội Nhân Dân (Hà Nội), ông không nhớ rõ mình phải đi nhờ bao nhiêu phương tiện, nhiều lần ông phải cãi nhau để được đi nhờ xe ôtô. Khi về đến tòa soạn, rất nhiều người đang chờ ông, kíp làm ảnh nhanh chóng bắt tay vào làm việc… Ngày hôm sau, bức ảnh chụp xác một tên địch bị hạ gục ngay trên tuyến biên giới với chú thích “Quân ta xông lên, kẻ thù đổ gục” của nhà báo Trần Hồng được đăng trên trang nhất Báo Quân Đội Nhân Dân và nhiều tờ báo khác đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đây là bức hình đầu tiên chúng ta ghi lại được sự thất bại của quân xâm lược Trung Quốc trên tuyến biên giới phía Bắc. Đây là một bức ảnh để đời của Đại tá, nhà báo Trần Hồng, góp một tiếng nói đáng kể trên mặt trận truyền thông chống quân xâm lược.

Takano ISao – nhà báo Nhật Bản hi sinh trên đất Việt

Ông Hoàng Tiến Tước năm nay 72 tuổi vốn là lái xe của Thông tấn xã Việt Nam, ông là người đưa phóng viên Takano Akahata – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản đi thực địa ở chiến trường Lạng Sơn. Ông Tước kể:  Vào ngày 7/3/1979 – chỉ 2 ngày từ khi Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và rút quân khỏi thị xã Lạng Sơn sau gần một tháng giao chiến, ông Hoàng Tiến Tước nhận lệnh đi công tác Lạng Sơn từ rất sớm, đưa đoàn phóng viên nước ngoài đi thực địa chiến trường. 

Ông còn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, khi chỉ còn cách thị xã Lạng Sơn khoảng 4km, đoàn xe UAZ chở các phóng viên nước ngoài phải dừng lại tại trạm gác do quân đội quản lý. Trong khi đại diện đoàn xuất trình giấy tờ thì Takano và người bạn của anh – Nakamura, nhanh chóng xuống xe tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh, ghi lại quang cảnh khu vực bên ngoài vùng chiến sự.

Đại diện Tỉnh đội giải thích, khu vực thị xã Lạng Sơn vẫn có thể có thám báo, có mìn do lính Trung Quốc gài lại nên vẫn còn nhiều nguy hiểm.

Không để ý đến mối an nguy của bản thân, Takano nhất mực yêu cầu vào sâu trong thị xã tác nghiệp, để ghi nhận những thông tin nóng bỏng, kịp thời và có những hình ảnh chân thực nhằm truyền tải thực tế đang diễn ra tại đây tới bạn đọc Nhật Bản.

Trước đề nghị kiên quyết được vào sâu trong khu vực chiến sự của anh cũng như của các phóng viên nước ngoài quả cảm, Tỉnh đội Lạng Sơn phải cử một tốp trinh sát dẫn đường và yểm trợ, đưa xe của các phóng viên Nhật Bản tiến thẳng vào khu vực trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn (nay là khu vực đường Quang Trung, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn).

“Khi đoàn xe đã đi vào khu vực thị xã khoảng 2km, tôi thấy đạn pháo vẫn bắn theo xe. Nhưng kệ, chúng tôi vẫn đi. Đến trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn, lúc ấy đã gần trưa. Chúng tôi thấy cảnh tượng đổ nát, không một bóng người, im lìm, vắng lặng.

Takano yêu cầu đoàn xe dừng lại để các phóng viên xuống xe quay phim, chụp ảnh. Khi Takano cùng Nakamura vừa bước xuống xe, đang lúi húi bấm máy tác nghiệp, bỗng loạt đạn bắn tỉa của quân Trung Quốc vang lên. Takano bị một viên trúng trán, anh dũng hi sinh khi trong tay vẫn đang cầm chặt chiếc máy ảnh”, ông Tước xúc động.

Cũng lúc đó, ông Tước vừa bước xuống xe, bị một viên đạn găm trúng phần hông. Nakamura cùng các chiến sĩ khác rất may mắn nép được vào những bức tường đổ nát gần đó, nên được an toàn. Họ được tốp trinh sát hướng dẫn rút lui, trở về vùng ngoại vi an toàn.

Sau khi bị thương, ông Tước nấp gọn vào xe tránh loạt đạn liên tục đổ dồn. Trong cơn đau lúc tỉnh lúc mê, ông vẫn hướng mắt nhìn về phía người bạn Nhật Bản dũng cảm mới quen với niềm tiếc thương nghẹn ngào. Thời khắc ấy đến nay vẫn in đậm trong tâm trí ông.

Mãi đến khoảng 10h đêm hôm ấy, ông Tước và Takano, mỗi người được đặt lên một cánh cửa làm cáng y tế và chuyển thẳng về Bệnh viện Việt – Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị – Hà Nội). Sau đám tang giản dị, cách đó vài ngày, tro cốt của Takano được người mẹ già, vợ trẻ và cô con gái nhỏ đưa về nước và chôn cất ở chân núi Zaou (tỉnh Miyagi), quê hương anh.

Takano hi sinh khi vừa tròn 36 tuổi. Sự ra đi của Takano không chỉ khiến người dân Việt Nam bàng hoàng mà còn dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của phóng viên quốc tế. Những chất vấn liên tục được đưa ra khi phía Trung Quốc bắn chết một phóng viên nước ngoài dù đã tuyến bố ngừng bắn và rút hết quân khỏi lãnh thổ Việt Nam trước đó 2 ngày.

RELATED ARTICLES

Tin mới