Thursday, January 9, 2025
Trang chủNước Việt đẹpVề xem lễ hội Gầu Tào

Về xem lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào là nơi để mọi người tụ họp, cùng nhau múa khèn, giao lưu thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Quan trọng hơn, đây là dịp để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, con người ngày càng sung túc, mạnh khỏe, hạnh phúc.

Già làng cúng cảm tạ trời đất.

Đồng bào Mông ở Hà Giang có nhiều lễ hội và nghi lễ truyền thống đặc sắc, trong đó phải kể đến “Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân” mà tiếng Mông gọi là “Gầu Tào” (gruôv taox). Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng khi Tết đến, xuân về.

Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu của người Mông Hà Giang mỗi dịp Tết đến xuân về. Lễ hội thường được tổ chức từ mồng 3 đến mồng 6 Tết âm lịch để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, cầu phúc, cầu lộc cho người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia s (úc, gia cầm đầy chuồng. Đặc biệt là các cặp vợ chồng hiếm muộn đến đây để mong cầu về đường con cái.

Ông Vàng Chẩn Giáo, một người am hiểu về văn hóa dân tộc Mông ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: “Lễ hội này ngày xưa thường là do các cặp vợ chồng hiếm muộn đứng ra tổ chức để cầu lộc con cái. Nếu 1-2 năm sau có con có cái thì sẽ tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm cảm tạ trời đất, thần linh đã ban cho gia đình lộc con cái và thứ 3 là tổ chức mời dân bản đến chung vui, chúc phúc cho các cặp vợ chồng, cho bản làng ấm no, hạnh phúc. Quan trọng nhất là ý nghĩa đó”.

Lễ hội Gầu Tào gồm có phần Lễ và phần Hội. Để bắt đầu lễ hội Gầu Tào,  đầu tiên là phải chọn được ngày đẹp, đốn một cây nêu về dựng ở bãi đất trống. Thường thì sẽ dựng trước khoảng một tuần để báo cho bà con biết địa điểm sẽ tổ chức Lễ hội. “ Khi tổ chức lễ hội thứ nhất phải chọn được người đứng ra tổ chức. Thứ hai là chặt cây nêu để dựng ở bãi đất trống nơi tổ chức Lễ hội. Cây nêu được chọn phải đảm bảo không bị cụt ngọn, khi chặt phải đổ về hướng mặt trời mọc, có độ dài khoảng 7 mét, sau đó treo đèn thật đẹp để bà con biết nơi tổ chức Hội. Thứ ba, trước khi dựng cây nêu, phải nhờ già làng trưởng bản đến cúng, chuẩn bị gà, rượu để cúng cảm tạ trời đất, sau đó buộc lên ngọn cây nêu một chai rượu hoặc nước, một bó lúa hoặc ngô tượng chưng cho sự sung túc, một tấm vải đỏ tượng chưng cho sự may mắn và bắt đầu dựng cây nêu”.- Ông Vàng Chẩn Giáo cho biết thêm về tiêu chuẩn chọn cây nêu.

Sau khi cúng và dựng xong cây nêu là đến phần Hội. Các thanh niên trai tráng trong bản  sẽ cùng nhau thi leo lên cây nêu này, ai leo giỏi lấy được chai rượu, bó lúa và tấm vải đỏ buộc trên ngọn cây nêu nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc. Chính vì thế, tất cả thanh niên trong các bản Mông đều rất háo hức tham gia hoạt động này. “ Vì năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên không tổ chức lễ hội. Tuy nhiên nói về Hội Gầu Tào thì đây là Lễ hội tiêu biểu và rất có ý nghĩa của người Mông, đến đây thanh niên chúng tôi  được vui chơi, thi tài cùng nhau…Mong rằng lễ hội này sẽ tiếp tục được gìn giữ và tổ chức hàng năm để bà con cùng đến cầu may, cùng vui hội mừng một năm mới nhiều tài lộc”. Anh Vàng Minh Thề, một thanh niên ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã nhiều lần tham gia lễ hội Gầu Tào chia sẻ.

Lễ hội Gầu Tào là nơi để mọi người tụ họp, cùng nhau múa khèn, giao lưu thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Quan trọng hơn, đây là dịp để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, con người ngày càng sung túc, mạnh khỏe, hạnh phúc. Những năm gần đây, Lễ hội Gầu Tào được tổ chức như một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hà Giang. Trong cách thức tổ chức hiện nay không còn giữ được nguyên bản Lễ hội truyền thống của ngày xưa.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lễ hội xuân trên địa bàn sẽ tạm dừng không tổ chức, nhưng ông Vàng Chẩn Giáo vẫn mong muốn lễ hội phải được phục dựng, gìn giữ nguyên bản để lớp trẻ hiểu kỹ hơn về văn hóa dân tộc. “Tôi đi xem Lễ hội ở một số nơi tổ chức thì thấy cũng làm khác đi nhiều, không còn giống như ngày xưa các cụ tổ chức. Theo tôi thì cần tổ chức sao cho bà con công nhận và yêu thích, giữ được nguyên bản Lễ hội ngày xưa thì mới thu hút được khách du lịch đến tìm hiểu. Cần tiếp tục tìm hiểu, gìn giữ và phát huy thì mới lưu giữ được văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông”.- Ông Vàng Chẩn Giáo mong muốn.

Từ ý nghĩa ban đầu là lễ tạ ơn, chúc tụng con đàn cháu đống trở thành một Lễ hội lớn của bà con dân tộc Mông Hà Giang, lễ hội Gầu Tào thật sự là nơi để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng làng bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới