Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựCampuchia hủy bỏ tập trận quân sự với TQ: "Không phải tay...

Campuchia hủy bỏ tập trận quân sự với TQ: “Không phải tay sai của Bắc Kinh”!

Có thể, Chính phủ Campuchia muốn chứng tỏ rằng họ “không phải là tay sai” của Bắc Kinh và sẵn sàng thiết lập lại quan hệ với Washington.

Trực thăng và xe tăng tham gia cuộc tập trận Golden Dragon năm 2019. Ảnh: KT

Đầu tháng này, Chính phủ Campuchia thông báo sẽ đình chỉ cuộc tập trận quân sự kéo dài hai tuần với Trung Quốc vào tháng 3 tới đây với lý do cần cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Cuộc tập trận “Rồng Vàng” (Golden Dragon) dự kiến ​​diễn ra từ ngày 13 – 27/3 và sẽ có sự tham gia của khoảng 3.000 quân Campuchia và Trung Quốc. Các hạng mục huấn luyện chung bao gồm diễn tập bắn đạn thật, cách thức sử dụng xe tăng, xe bọc thép và thiết bị rà phá bom mìn.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết, cuộc tập trận Rồng Vàng thường niên lần thứ tư năm nay sẽ bị hủy bỏ do các trận lụt lớn vào cuối năm 2020 đã tàn phá cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp lương thực của đất nước, bên cạnh COVID-19 và “một số vấn đề khác” mà chính phủ Campuchia đang phải đối mặt.

“Chúng tôi đang phải giải quyết những khó khăn này. Lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh kế của người dân”, ông Tea Banh nhấn mạnh. “Vì vậy, chúng tôi đã buộc phải đình chỉ cuộc tập trận quân sự”.

Có điều thú vị là, việc Campuchia hủy bỏ cuộc tập trận “Rồng Vàng” gần giống với việc hủy bỏ một cuộc tập trận quân sự tương tự với Mỹ vào năm 2017.

Cuộc tập trận chung Angkor Sentinel được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 và bất ngờ bị chính phủ Campuchia đình chỉ vào tháng 1/2017. Hai tháng sau đó, vào tháng 3, “Rồng Vàng” lại lần đầu tiên được tổ chức với Quân đội Trung Quốc.

Việc hủy bỏ cuộc tập trận Angkor Sentinel ghi nhận một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Mỹ – Campuchia đang suy giảm. Tháng 9 cùng năm, Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã bắt giữ Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), hai tháng trước khi đảng này bị cấm hoạt động hoàn toàn.

Cả hai động thái đều trên đều bị Mỹ và các chính phủ phương Tây khác chỉ trích mạnh mẽ, cũng giống như cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 7/2018 khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền giành được tất cả 125 ghế trong Quốc hội.

Trong bối cảnh Campuchia đang bị đánh giá là ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh, nhất là khi xuất hiện một số thông tin cho thấy Phnom Pênh chuẩn bị tiếp nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc thì việc đình chỉ cuộc tập trận Golden Dragon được xem như động thái phát đi tín hiệu mềm mỏng với chính quyền mới của Mỹ.

Qua đây, có thể Chính phủ Campuchia muốn chứng tỏ rằng họ “không phải là tay sai” của Bắc Kinh và sẵn sàng thiết lập lại quan hệ với Washington. Chắc chắn Thủ tướng Hun Sen sẽ không muốn bị rơi vào thế giằng co giữa các siêu cường.

RELATED ARTICLES

Tin mới