Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực để buộc Trung Quốc lên án một cách rõ ràng cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar giữa lúc Bắc Kinh tìm cách tránh xa mâu thuẫn tại quốc gia Đông Nam Á này.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Trung Quốc nên đóng một “vai trò mang tính xây dựng” ở Myanmar. Theo ông Price, Myanmar đang trải qua “một cuộc tấn công vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ”.
“Khi nói đến Trung Quốc, chúng tôi đã tuyên bố rất rõ ràng rằng chúng tôi muốn thấy Trung Quốc đóng một vai trò xây dựng trong vấn đề này. Đó cũng là thông điệp mà chúng tôi đã gửi cả bằng kênh đối thoại công khai và riêng tư tới Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi thông điệp để gây áp lực cho đến khi Trung Quốc thể hiện quan điểm rõ ràng trong việc lên án cuộc đảo chính tại Myanmar,” ông nói.
Nhận xét của ông Price được đưa ra khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai bác bỏ tuyên bố rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar – vài ngày sau khi hàng trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ biểu tình bên ngoài cửa Đại sứ quán Trung Quốc.
Ông Chen tuyên bố Bắc Kinh không biết trước về cuộc đảo chính. Ngoài ra, đại diện Trung Quốc còn khẳng định những tin đồn rằng họ đang giúp quân đội Myanmar thiết lập một bức tường lửa trên mạng để ngăn những người biểu tình tổ chức phản đối trực tuyến là “chuyện nực cười”.
“Chúng tôi có quan hệ hữu nghị với cả Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và quân đội. Tình hình hiện tại hoàn toàn không phải là điều Trung Quốc muốn thấy”, ông Chen nói.
Vào ngày 1/2, quân đội Myanmar đã tuyên bố kết quả bầu cử hồi tháng 11 tại Myanmar có dấu hiệu gian lận và sau đó bắt giữ nhiều quan chức cấp cao của nước này, bao gồm nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và tổng thống Win Myint, để quản thúc tại gia. Sau đó, quân đội Myanmar dưới quyền điều hành của Thống tướng Min Aung Hlaing đã ban bố tình trạng khẩn cấp 1 năm tại quốc gia này.
Trong khi cộng đồng quốc tế liên tiếp lên án cuộc đảo chính, Trung Quốc và Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình với tư cách là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản đối một tuyên bố chung lên án chính quyền quân trị.
Luật sư của Suu Kyi cho biết cảnh sát đã đệ trình một cáo buộc mới chống lại bà, cáo buộc bà vi phạm các luật phòng chống COVID-19. Bà Suu Kyi hiện đang phải đối mặt với cáo buộc sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm.
Ông Price nói: “Việc quân đội nắm chính quyền là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của đất nước. Chúng tôi được biết rằng rất nhiều đối tác và đồng minh cùng chí hướng của chúng tôi trên khắp thế giới đã cùng lên án hành động phản dân chủ và cuộc đảo chính này.”
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric cho biết bất kỳ cáo buộc mới nào chống lại bà Suu Kyi sẽ không thể thay đổi “phán quyết chắc chắn” của tổ chức thế giới về việc quân đội Myanmar đã “lật đổ ý chí dân chủ của người dân”, bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị, nhà hoạt động và người biểu tình ôn hòa tại quốc gia này.
“Chúng tôi đã kêu gọi hủy bỏ các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi và yêu cầu quân đội trả tự do cho bà ấy,” ông Dujarric nói.