Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Biden cứng rắn với TQ khác với ông Obama

Ông Biden cứng rắn với TQ khác với ông Obama

Ngày 19-2, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trả lời phỏng vấn cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức thuế cao mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt với Trung Quốc trong thời gian tới.

Tuyên bố của bà Yellen cho thấy chính quyền mới của tổng thống Joe Biden chưa có ý định và cũng không dễ gì gỡ bỏ các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc mà chính quyền ông Trump đã áp dụng trước đó. 

Những tổng thống tiền nhiệm trước ông Trump tránh áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc, do lo ngại về những hậu quả của nó đối với nền kinh tế Mỹ cũng như những hệ lụy chính trị kèm theo. Nhưng tuyên bố của bà Yellen cho thấy thái độ “cứng rắn” của chính quyền Biden với Trung Quốc đã không thực sự gây hiệu quả tiêu cực như vẫn nghĩ. 

Việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có gây ra những xáo trộn nhưng không làm gãy đổ chuỗi cung ứng như nhiều ý kiến lo ngại, thậm chí trong một số lĩnh vực còn có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ dù không hoàn toàn như những gì mà chính quyền của cựu tổng thống Trump tuyên bố. 

Không những thế còn phần nào lấy điểm với các cử tri Mỹ vốn có cách nhìn ngày càng khắt khe hơn với các chính sách của Bắc Kinh. 

Chiều hướng chính trị nội bộ Mỹ đã có nhiều thay đổi trong 4 năm vừa qua, khi không chỉ các chính trị gia của Đảng Cộng hòa mà nhiều chính trị gia của Đảng Dân chủ ngày càng có chiều hướng ủng hộ một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong cả các vấn đề kinh tế cũng như an ninh. 

Điều này đã tạo thuận lợi cho chính quyền mới của ông Biden theo đuổi một chính sách mạnh mẽ hơn mà không sợ vấp phải sự phản đối từ các chính trị gia của cả hai đảng trong Quốc hội cũng như của các nhóm kinh doanh có nhiều lợi ích trong việc làm ăn với Trung Quốc vốn thường vận động cho việc giữ gìn hòa khí trong quan hệ với Bắc Kinh. 

Đồng thời đây cũng là một cách để gây sức ép với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về kinh tế với Mỹ trong tương lai, cũng như để đổi lại các vấn đề kinh tế khác như bà Yellen cáo buộc là các biện pháp đối xử không công bằng của Trung Quốc trong thương mại song phương với Mỹ, trong việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật, trong việc Trung Quốc trợ cấp cho các ngành công nghiệp kỹ thuật cao… 

 

Chính quyền mới của ông Biden không dễ gì từ bỏ những con bài sẵn có này để đòi hỏi những bước đi tương đồng từ phía Trung Quốc. 

Không khó để nhận thấy bộ máy hoạch định chính sách với Trung Quốc trong chính quyền mới của Mỹ đang đánh giá lại một cách toàn diện chính sách hiện có. Sẽ không phải tất cả các chính sách hiện có sẽ được duy trì và chính quyền Biden sẽ xem xét lại một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận thương mại tháng 2-2020. 

Theo thỏa thuận trên, Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ hàng hóa của Mỹ trong 2 năm nhưng theo ước tính của phía Mỹ trong năm 2020, Trung Quốc mới thực hiện gần 60% những cam kết này. 

Dù thế nào đi nữa, như phát biểu trong cuộc điều trần tại Thượng viện khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính của bà Yellen: “Trung Quốc rõ ràng là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ”, hay của Ngoại trưởng Mỹ Blinken: “Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ”, chính quyền Biden khó có thể quay lại một “chính sách tương đối êm dịu” với Trung Quốc như dưới thời tổng thống Obama hoặc các tổng thống tiền nhiệm trước đó. 

Và mặc dù chính quyền của ông Biden cũng khó có thể theo đuổi một “chính sách sóng gió” với Trung Quốc như dưới thời ông Trump, nhưng chính quyền mới sẽ kế thừa nhiều thành tố mà chính quyền Trump đã để lại. 

Một cách tiếp cận tương tự nhưng với những thay đổi về cách thức và bước đi cụ thể là những gì chính quyền mới của ông Biden nhiều khả năng sẽ theo đuổi.

RELATED ARTICLES

Tin mới