Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ cảnh báo Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực ở...

Mỹ cảnh báo Bắc Kinh về việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông

Trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, Hoa Kỳ cảnh báo TQ về việc sử dụng vũ lực trong các vùng biển tranh chấp, tái xác định rằng chiến dịch khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Phát ngôn nhân của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, bày tỏ với báo giới sự ”quan ngại” của nước này về luật hải cảnh mới do Trung Quốc ban hành, nói rằng luật này có thể làm leo thang các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra:

”Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ trong luật, đề cập rõ ràng đến việc có thể sử dụng vũ lực, gồm cả lực lượng vũ trang của hải cảnh Trung Quốc, trong việc khẳng định chủ quyền của nước này tại các nơi có tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông.”

”Ngôn ngữ bao gồm cả văn bản cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển (của Trung Quốc) phá hủy cấu trúc kinh tế của các nước khác, và sử dụng vũ lực để bảo vệ yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp, ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên vùng biển mà Cộng Hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa khẳng định chủ quyền.” Ông nói.

Phát ngôn nhân Ned Price nói thêm với các phóng viên:

” Hoa Kỳ tái khẳng định tuyên bố ngày 13 tháng 7 năm 2020 liên quan đến các yêu sách hàng hải ở Biển Đông. Và nhắc nhở Trung Quốc về các nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, là phải kiềm chế các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như phải tuân theo Luật Biển Quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982. Lập trường của chúng tôi về các yêu sách hàng hải của CHND Trung Hoa vẫn phù hợp với kết luận của Tòa Trọng tài năm 2016, rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại các khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên Financial Times là Hoa Kỳ đã trực tiếp nêu quan ngại này với Bắc Kinh chưa, ông Price trả lời:

‘Khi nói đến luật tuần duyên, chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và các quốc gia khác phải đối mặt với loại áp lực không thể chấp nhận được của CHND Trung Hoa ở Biển Đông. Tôi không muốn mô tả bất kỳ cuộc trò chuyện nào với Bắc Kinh về vấn đề này. Tất nhiên, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden là sự phối hợp giữa các đối tác và đồng minh, và chúng tôi chắc chắn đã bàn luận rất kỹ về điều đó.”

Chính sách của Hoa Kỳ được ông Price nói rõ hơn, khi ông trả lời Wall Street Journal về quan điểm của chính quyền Biden liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Ông nói:

”Chúng tôi tái khẳng định tuyên bố ngày 13 tháng 7 năm 2020 về các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường của chúng tôi về các yêu sách hàng hải của CHND Trung Hoa, vẫn phù hợp với kết luận của Tòa Trọng tài năm 2016 rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại các khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines.”

”Chúng tôi cũng bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của CHND Trung Hoa với vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý, tính từ các đảo mà nước này khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Hành vi sách nhiễu các bên tranh chấp khác của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp này, hoạt động thăm dò hydrocarbon của nhà nước, hoặc việc đánh bắt cá, hay khai thác đơn phương các tài nguyên biển này là bất hợp pháp.”

Hoa Kỳ từ lâu đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc trong tuyến đường thủy chiến lược, nhưng dưới thời ông Donald Trump, Ngoại trưởng Pompeo đã đi xa hơn bằng cách rõ ràng ủng hộ lập trường của các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam, thay vì đứng ngoài tranh chấp.

Ngoại trưởng Antony Blinken, trước cuộc họp báo, cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản, Toshimitsu Motegi.

Ông Blinken lúc đó tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông – cũng được Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư và Đài Loan – thuộc một hiệp ước an ninh cam kết Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ bảo vệ lẫn nhau.

Trước đó, công ty công nghệ Simularity’s South China Sea Rapid Alert Service có trụ sở tại Mỹ hôm 16/2 công bố những hình ảnh về Đá Vành Khăn cho thấy Trung Quốc có những hoạt động mới ở vùng nước này kể từ cuối năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

RELATED ARTICLES

Tin mới