Thursday, January 23, 2025
Trang chủĐiểm tinPhối hợp quốc tế chặn bước tham vọng của TQ

Phối hợp quốc tế chặn bước tham vọng của TQ

Trong cuộc họp báo mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố nước này xem “bộ tứ kim cương” là động lực cần thiết và xây dựng hợp tác đa phương để chặn bước tham vọng của Trung Quốc.

Chiến hạm của 3 nước Mỹ, Nhật và Úc tập trận chung trên Biển Đông cuối năm 2020

Rạng sáng 23.2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của phát ngôn viên Ned Price. Trong buổi họp báo, “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là một chủ đề gây nhiều chú ý về chính sách đối ngoại của Washington.

“Bộ tứ kim cương” là động lực

Theo đó, ông Price khẳng định “bộ tứ kim cương” là một ví dụ về việc Mỹ và một số đối tác thân thiết nhất hợp tác với nhau vì lợi ích tự do, rộng mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

“Chúng tôi nhận thấy “bộ tứ” có động lực cần thiết và tiềm năng quan trọng. Nên chúng tôi sẽ xây dựng nhóm này thông qua việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm truyền thống, bao gồm an ninh hàng hải, đồng thời phối hợp với các đối tác của “bộ tứ” để đối đầu với các thách thức đã được xác định”, phát ngôn viên Price thông tin và đây cũng là cách thức mà Washington đang phối hợp với các đồng minh ở cả châu Âu lẫn Indo-Pacific nhằm hình thành một vị thế mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc về thương mại, đồng thời ám chỉ về các rủi ro liên quan an ninh viễn thông đối với Tập đoàn Huawei do tác động từ chính quyền Bắc Kinh.

Ngày 18.2 vừa qua, các ngoại trưởng của “bộ tứ kim cương” có cuộc họp trực tuyến do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì. Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật sau cuộc họp, “bộ tứ” đã thảo luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc vốn gây nhiều quan ngại cho các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông. Đến ngày 20.2, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Price cũng lên tiếng lo ngại luật này.

“Bắt bài” chiến lược của Bắc Kinh

Việc các nước phối hợp để ứng phó với các hành động của Trung Quốc là điều mà nhiều chuyên gia từng khuyến nghị.

Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng chính quyền Trung Quốc, dưới thời ông Tập Cận Bình hiện nay, luôn tính toán “đường rút” trước khi hành động.

Theo cựu đại tá Schuster, trong các vấn đề như Hồng Kông và Tân Cương thì chính quyền Bắc Kinh đã không hề “xuống thang” khi nhìn thấy sự phản ứng có chừng mực của các nước khác.

“Gần đây, sự “xuống thang” duy nhất của chính quyền Trung Quốc là trong vấn đề biên giới với Ấn Độ. Sự phản ứng mạnh mẽ của New Delhi đã khiến Bắc Kinh phải lùi bước. Dù Trung Quốc chậm rãi đồng ý đàm phán nhưng diễn biến thực tế cho thấy nước này chọn cách đối thoại với Ấn Độ. Vì thế, nếu không có phản ứng thống nhất, hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, như ở Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược cưỡng ép, gây hấn một cách tăng dần, dù vẫn thận trọng”, ông Schuster phân tích.

Cũng trả lời Thanh Niên về tình hình Biển Đông, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ) từng cho rằng các nước nên tiếp tục phát triển và thắt chặt hợp tác về an ninh lẫn kinh tế để cùng ứng phó với các hành vi của Trung Quốc.

Và hiện nay, trong vấn đề Biển Đông nói riêng, hay tình hình Indo-Pacific nói chung, không chỉ Mỹ cùng các thành viên trong “bộ tứ kim cương”, mà nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức cũng đang tăng cường các hoạt động để ngăn chặn việc Trung Quốc tự xem vùng biển này là “ao nhà”.

RELATED ARTICLES

Tin mới