Thursday, December 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội1- Hội chứng sân bay: Phải phù hợp quy hoạch

1- Hội chứng sân bay: Phải phù hợp quy hoạch

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương, tuy nhiên việc có bổ sung hay không phải phù hợp với quy hoạch.

Tham gia góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, thời gian qua, nhiều địa phương đề xuất muốn xây dựng sân bay.

Đơn cử như Bình Phước, Ninh Bình, Bắc Giang, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… đều muốn có sân bay.

Trước đề xuất của các địa phương về việc bổ sung sân bay, báo VietNamNet dẫn lời Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ có ý kiến sau khi tiếp nhận đầy đủ ý kiến của các địa phương.

Ông Thắng cũng nói rõ, quy hoạch cảng hàng không phải đảm bảo sự đồng bộ của mạng cảng hàng không toàn quốc và được tính toán theo thời kỳ quy hoạch cụ thể và đáp ứng nhu cầu vận chuyển.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương, tuy nhiên việc có bổ sung hay không phải phù hợp với quy hoạch. Bộ GTVT trình lấy ý kiến các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Chính phủ quyết định.

Trong một lần trao đổi với Đất Việt, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, người tham gia lập đề án quy hoạch cảng hàng không, sân bay đầu tiên cho biết, lãnh đạo tỉnh, thành phố nào cũng muốn có sân bay để tăng thêm khả năng phát triển kinh tế, an ninh của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để khẳng định tỉnh nào cần có sân bay cũng như để có một hệ thống sân bay hoàn chỉnh trên cả nước cần căn cứ vào khoảng 27 tiêu chí, gồm các tiêu chí về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhu cầu đi lại, tự nhiên… Việc chấm điểm sẽ dựa trên các tiêu chí tổng thể và khoa học chứ không  phụ thuộc vào ý muốn của địa phương hay ý chí của một nhóm người, một lãnh đạo nào.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng lưu ý, chỉ quy hoạch sân bay khi có nhu cầu, mà nhu cầu phải xác định theo vùng lãnh thổ, vùng dân cư. Nhiều địa phương đề nghị làm sân bay nhưng nhu cầu không đáng kể, không đủ để làm sân bay và nếu làm sân bay thì họ sẽ lỗ nặng.

Ở góc độ kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hội chứng sân bay đang tái xuất và tiếp tục phát triển trong bối cảnh đầu tư công đang được đẩy lên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Các địa phương đang chịu sức ép về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ai cũng sợ chịu trách nhiệm nên mới xin dự án để giải ngân được càng nhanh càng tốt. Chưa kể, xin được dự án thì địa phương sẽ có tăng trưởng, lợi ích về sau.

Dự án càng lớn, lợi ích càng nhiều, dĩ nhiên ở đây không hẳn chỉ là lợi ích về tăng trưởng chung. Vậy nên, các địa phương tội gì không xin và đề xuất làm sân bay dường như đã trở thành một phong trào, một làn sóng tát nước theo mưa”, GS Đặng Đình Đào nhận xét.

Theo thông tin được công bố trước đó, trong số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác, không kể sân bay Vân Đồn, đến nay chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), 16 sân bay còn lại vẫn lỗ, số lượng hành khách thấp hơn mức thiết kế.

RELATED ARTICLES

Tin mới