Mỹ hối thúc Trung Quốc chấm dứt “hành động có thể gây tổn hại” sau vụ tàu hải cảnh rình rập tàu cá Nhật gần nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku.
“Chúng tôi đồng hành với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhóm đảo Senkaku và chủ quyền tại đây. Chúng tôi ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền và kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động, như triển khai tàu hải cảnh, có thể dẫn tới tính toán sai lầm và nguy cơ gây tổn hại vật chất”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói hôm 24/2.
Bình luận được Kirby đưa ra sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát nhóm đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông hôm 20-21/2, “rình rập” và tìm cách tiếp cận một tàu cá Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Cảnh sát biển Nhật Bản sau đó điều tàu tuần tra tới hộ tống tàu cá, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi.
Hải cảnh Trung Quốc còn điều hai tàu tuần tra khác đến khu vực gần nhóm đảo tranh chấp, một trong số này dường như được trang bị pháo, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân sau đó tuyên bố nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku là “lãnh thổ vốn có của Trung Quốc” và chỉ trích hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật, nhưng không trực tiếp đề cập đến bình luận của Kirby.”Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật chỉ là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, đáng lẽ không nên gây hại cho lợi ích của bên thứ ba hay đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”, ông nói.
Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã 9 lần tiếp cận nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản từ đầu năm đến nay. Hôm 8/2, Tokyo trao công hàm phản đối cho Bắc Kinh sau “sự cố không thể chấp nhận được”, khi các tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách tiếp cận tàu cá Nhật Bản hoạt động gần nhóm đảo tranh chấp.
Hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa nước này trở thành “cường quốc hàng hải”. Chính phủ Nhật Bản phải thành lập tổ công tác đặc biệt tại văn phòng thủ tướng để phân tích tình hình quanh nhóm đảo tranh chấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hồi cuối tháng 1 tái khẳng định “cam kết kiên định” của nước này trong việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư theo hiệp ước an ninh lâu dài giữa hai nước.