Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines: Chờ xem đã!

Philippines: Chờ xem đã!

Có người cho rằng: Trong quan hệ đồng minh với Mỹ, Philippines là bên “khó hiểu”. Bởi làm bạn với Mỹ, nhưng Manila nhiều lúc vẫn tỏ ra vồ vập Bắc Kinh. Chính sách ngoại giao “đu dây” đó nhiều khi khiến người bạn Mỹ nổi nóng. Nhưng nay, câu chuyện đã khác?

Quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines từng có lúc gập gềnh

Sự “nổi nóng” của Washington thể hiện trong tuyên bố của ông Donal Trump ngay sau ngày 11/02/2020, Philippines thông báo cho Hoa Kỳ rằng họ dự định sẽ rút khỏi Hiệp định Lực lượng Viếng thăm Philippines – Hoa Kỳ (VFA).

Về VFA, mọi người biết, là một thỏa thuận giữa hai nước nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT). MDT được ký kết năm 1951 bởi Mỹ và Philippines nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị nước thứ ba tấn công.

Thậm chí, người phát ngôn của ông Duterte còn khẳng khái: “Đây sẽ là lúc chúng tôi dựa vào chính mình. Philippines sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, chiến đấu và không dựa vào bất kỳ nước nào khác”.

Không tin vào lý do phía Philippines giải thích, dư luận cho rằng, động thái này không nhằm “thoát Mỹ”. Điều Manila tính toán là muốn tạo khoảng cách lớn hơn với Washington để thực hiện “chính sách đối ngoại độc lập”, thực chất là để gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc trong các hợp đồng mua sắm vũ khí, trong tiếp nhận viện trợ kinh tế gắn với những điều khoản hứa hẹn ưu đãi.

Mỹ cả giận. Ngay lập tức, ngày 13/2/2020, Tổng thống Mỹ khi đó, ông  Donald Trump tuyên bố ông không quan tâm tới chuyện Philippines hủy một thỏa thuận quân sự với Mỹ. Sự cáu kỉnh của người đàn ông quyền lực nhất thế giới còn được thể hiện qua các ngôn từ đay nghiến một cách phũ phàng, rằng: Điều này (rút khỏi thỏa thuận) còn có lợi vì giúp Mỹ “đỡ tốn hàng đống tiền” cho các cuộc tập trận với Philippines.

Chẳng biết có phải “cái uy” của ông Trump, hay sự gia tăng các hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông cùng những lời “hứa hão” của Bắc Kinh về viện trợ kinh tế khiến ông Duterte nghĩ lại hay không, mà chỉ sau chưa đầy 4 tháng, tức là tháng 6 cùng năm, Manila tuyên bố  “hoãn” tiếp tục hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ. Tới tháng 11, lại thêm một cú “hoãn” nữa.

Vẻ như Manila chờ đợi và hy vọng vào những điều mới mẻ của Washington trong chính sách đối ngoại với mình trong chính quyền mới sau bầu cử.

Thì đây, cầu được ước thấy, “Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin rằng, Hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước ký kết vào năm 1951 “sẽ được áp dụng để đối phó với các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines”.

Thông tin trên được Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez hoan hỷ cho biết trong một diễn đàn trực tuyến ngày 29/1/2021. Thực ra, dư luận đã biết về điều này từ trước đó 2 ngày, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo nêu rõ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước phòng thủ chung đối với an ninh của hai quốc gia và việc áp dụng hiệp ước này “trong các vụ tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông”.

Tuyên bố của Mỹ phát ra vào thời điểm Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nước này bắn vào tàu nước ngoài nếu cần thiết – một động thái có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm trên Biển Đông. Philippines, cũng như một số quốc gia liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể hy vọng. Nhưng vụ bãi cạn Scarborough mất vào tay Trung Quốc  năm 2012 trong sự “lờ đi” của ông bạn đồng minh Mỹ, vẫn khiến Philippines, cũng như những ai quá hy vọng vào sự xả thân để bảo vệ quyền lợi cho mình, từ một đồng minh như Mỹ, phải dè chừng.

RELATED ARTICLES

Tin mới