Tuesday, January 7, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ xây đập khổng lồ với tham vọng và 'vũ khí hóa'...

TQ xây đập khổng lồ với tham vọng và ‘vũ khí hóa’ nguồn nước?

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các dự án thủy điện để hướng tới tương lai năng lượng xanh, trước những cảnh báo về thách thức môi trường và mâu thuẫn địa chính trị.

Dòng sông lớn nhất đang khô cạn

Sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người, như xây đập.

Sau nhiều thập kỷ kiểm tra hồ sơ từ các trạm mặt đất và hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính rằng mực nước sông Dương Tử trung bình giảm khoảng 2 cm sau mỗi 5 năm, kể từ những năm 1980.

Họ cảnh báo điều này có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường và nền kinh tế của một trong những khu vực giàu có, phát triển nhanh nhất Trung Quốc.

Trong bài báo trên tạp chí Advances in Water Science vào tháng này, Nie Ning và các đồng nghiệp thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Khoa học Thông tin Địa lý của Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ ra một phần nguyên nhân là do các hoạt động của con người như thay đổi cảnh quan và xây dựng đập.

“[Nhưng] biến đổi khí hậu đóng một vai trò lớn hơn nhiều so với bất kỳ yếu tố nào”, họ nói.

 ai trò của các con đập đối với vấn đề được đánh giá là phức tạp. Hoạt động của 15 đập lớn, bao gồm đập Tam Hiệp, khiến mực nước giảm vào mùa đông và mùa xuân, nhưng lại tăng lên trong những thời kỳ khí hậu ấm hơn. Nhìn chung, các con đập có tác động tiêu cực, mặc dù tương đối nhỏ, đối với lượng nước, theo các nhà nghiên cứu.

Dù vậy, khi ít nước đi, đập sẽ có tác động lớn hơn đối với quản lý nguồn nước và vòng tuần hoàn của tự nhiên.

Việc phê duyệt các dự án xây dựng mới dọc theo sông Dương Tử đã được thắt chặt và trong thập kỷ tới, mọi hoạt động đánh bắt cá ở đây đã bị cấm.

Trung Quốc xây đập khổng lồ: Tham vọng năng lượng hay 'vũ khí hóa' nguồn nước? - 2

Các dự án đập có thể gây ra tác động về môi trường đối với người dân. (Ảnh minh họa: New York Times)

Hành trình năng lượng xanh?

Các quan chức Trung Quốc kỷ niệm việc hoàn thành đập Tam Hiệp bằng cách công bố danh sách 10 kỷ lục thế giới công trình này đạt được, trong đó bao gồm là con đập lớn nhất thế giới. Đập Tam Hiệp được xây dựng bằng một lượng bê tông và thép khổng lồ.

Ngoài ra, 34 máy phát điện của đập, mỗi máy nặng 6.000 tấn, sản xuất 22,5 triệu kilowatt điện (22.500 megawatt), đủ cung cấp điện cho 60 triệu người dân Trung Quốc.

 Đập Tam Hiệp cũng là nhà sản xuất điện lớn nhất thế giới từ năng lượng tái tạo. Ở thời điểm hoàn thành, công trình nằm ở trung tâm câu hỏi hóc búa về năng lượng của Trung Quốc: Nền kinh tế đang phát triển của quốc gia này đang có vẻ ưa chuộng các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, các con đập giúp sản xuất điện sạch hơn, nhưng khiến hàng triệu người phải di dời và tạo ra tác động lớn đến cảnh quan thiên nhiên.

Các trận mưa lớn hồi tháng 7 và tháng 8/2020 khiến đập Tam Hiệp trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Trung Quốc và thế giới. Lưu lượng nước đổ về đây có lúc gần đạt tới giới hạn vỡ đập.

“Đập chắn và hồ chứa đang vận hành trơn tru, hiệu quả trong việc kiểm soát lũ, sản xuất điện, hỗ trợ giao thông đường thủy nội địa và phân chia nguồn nước. Đây là câu trả lời của Trung Quốc với những lo ngại và chỉ trích cường điệu của phương Tây rằng đập Tam Hiệp có nguy cơ bị vỡ và gây hại cho môi trường”, Thời báo Hoàn Cầu, báo nhà nước Trung Quốc viết.

Một số chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nếu không có hồ chứa của Tam Hiệp, tình hình lũ lụt có thể đã tồi tệ hơn. Theo Thời Báo Hoàn Cầu, tổng cộng Tam Hiệp giúp trữ được khoảng 180 tỷ mét khối nước lũ.

Trung Quốc xây đập khổng lồ: Tham vọng năng lượng hay 'vũ khí hóa' nguồn nước? - 3

Sông Mekong. (Ảnh: MRC)

Tham vọng nguồn nước

Châu Á chiếm hơn một nửa trong số 50.000 đập lớn trên toàn cầu, theo một phân tích của Nikkei Asia năm 2019.

Việc tập trung vào các con đập phản ánh sự ưu tiên tiếp cận nguồn cung, như tăng cường khai thác tài nguyên nước, thay vì theo đuổi các giải pháp từ phía cầu, chẳng hạn như quản lý nước thông minh và sử dụng nước hiệu quả hơn, theo ông Brahma Chellaney, chuyên gia địa chính trị. Và Trung Quốc dường như có ảnh hưởng  lớn ở khu vực.

 Mùa hè năm 2018, mực nước sông Mekong dài 4.880 km, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm, mặc dù mùa gió mùa hàng năm kéo dài từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9.

Tháng 7/2019, một nhóm nghiên cứu Thái Lan cho biết các đập Trung Quốc chặn 40 tỷ m3 nước, gây ra dòng chảy thấp bất thường của sông Mekong. Các chuyên gia Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho biết hiện tượng này là do ba lý do, lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm mức xả để “bảo trì lưới điện” và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.

Đến khoảng tháng 4/2020, MRC cho biết mực nước trở lại bình thường. 

Tháng 2/2021, MRC cho biết mực nước sông Mekong giảm xuống mức “đáng lo ngại”, một phần do dòng chảy bị hạn chế bởi các đập thủy điện của Trung Quốc. Thông báo cho biết lượng mưa thấp và các đập ở hạ lưu sông Mekong và các nhánh sông góp phần làm giảm mực nước sông Mekong.

Sau khi hoàn thành 11 con đập lớn, Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các đập ở thượng nguồn sông Mekong, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng. Bắc Kinh cũng đắp đập trên các con sông xuyên quốc gia khác.

Trung Quốc là điểm xuất phát của các con sông chảy đến 18 quốc gia ở hạ lưu. Không có quốc gia nào trên thế giới đóng vai trò là đầu sông cho nhiều quốc gia như vậy.

“Bằng cách xây dựng các đập, các công trình dẫn nước khác ở các vùng biên giới của mình, Trung Quốc tạo ra một cơ sở hạ tầng rộng lớn ở thượng nguồn cung cấp cho nước này khả năng ảnh hưởng lớn đến nguồn nước”, chuyên gia nói.

Trung Quốc đã chứng minh rằng họ không ngại xây đập.

Việc Trung Quốc xây đập trên sông Mekong cũng tạo ra vấn đề về quan hệ công chúng đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên họ phủ nhận các đập thượng nguồn của mình là nguyên nhân gây ra vấn đề ở hạ nguồn.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng tuyên bố xả thêm nước cho các quốc gia bị hạn hán. Nhưng lời đề nghị này cũng có thể cho thấy vấn đề về sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí của Trung Quốc.

Năm 2020, Trung Quốc cam kết chia sẻ dữ liệu về các đập của nước này với các nước thành viên MRC.

Hồi tháng 1, Bắc Kinh thông báo với các nước láng giềng rằng các đập của họ đang lấp đầy các hồ chứa và dòng chảy sẽ được khôi phục về “trạng thái hoạt động bình thường” vào ngày 25/1.

Tuy nhiên, lưu lượng nước lưu lượng nước xả ra từ đập này tiếp tục giảm xuống vào ngày 11/2 và Bắc Kinh không đưa ra bất cứ thông báo nào gần đây liên quan tới vấn đề này.

Trung Quốc xây đập khổng lồ: Tham vọng năng lượng hay 'vũ khí hóa' nguồn nước? - 4

Sông Yarlung Tsangpo. (Ảnh: NASA)

”Tam Hiệp 2.0”

Sau Tam Hiệp, Trung Quốc sẽ có một dự án khổng lồ mới dự kiến hoành tráng không kém.

Tháng 11/2020, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy thủy điện mới ở chân núi dãy Himalaya. Được quảng cáo có khả năng là dự án đập lớn nhất thế giới (sau khi hoàn thành), đây là một công trình kỹ thuật lớn và cũng là một công trình gây tranh cãi về các tác động địa chính trị và hệ sinh thái.

 Dự án đập Yarlung Tsangpo, dự kiến với công suất 60 gigawatt (60.000 megawatt), được tuyên bố sẽ lớn hơn cả đập Tam Hiệp. Địa điểm được chọn xây đập nằm trên sông Yarlung Tsangpo (được gọi là Brahmaputra ở Ấn Độ), là một trong những con sông lớn ở độ cao cao nhất thế giới.

Khi hoàn thành, dự án siêu đập này sẽ tạo ra 60 gigawatt và có công suất thủy điện gấp 3 lần so với Tam Hiệp. Tuy nhiên trong khi Tam Hiệp khiến hơn 1,4 triệu người phải chuyển chỗ ở, dự án đập mới sẽ được xây dựng tại Medog, nơi có dân số thưa thớt hơn, 14.000 người.

Bắc Kinh hiện tăng cường nỗ lực của mình đối với các dự án thủy điện ở Tây Tạng với mục tiêu đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.

Nhưng không chỉ Trung Quốc quan tâm đến việc xây dựng các con đập trên sông. Ấn Độ cũng đã đề xuất các nhà máy thủy điện dọc theo Yarlung Tsangpo và các phụ lưu của nó trên quy mô lớn.

Báo chí tiết lộ rằng Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng dự án đập đã được lên kế hoạch, nằm cách biên giới Ấn Độ chỉ 30 km, như một công cụ chính trị gây ảnh hưởng với Ấn Độ.

Đây là một khu vực địa chính trị quan trọng bởi cao nguyên Tây Tạng 2,5 triệu km vuông giàu tài nguyên này là nơi giáp nhiều quốc gia. Đầu nguồn Himalaya cung cấp nước uống cho gần 2 tỷ người ở các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Bất kỳ sự xáo trộn nào trong nguồn cung cấp này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người sống dựa vào nguồn nước này để tồn tại.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đưa ra một số thông báo công khai để giảm bớt lo ngại.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với Ấn Độ và Bangladesh thông qua các kênh hiện có. Không cần thế giới bên ngoài suy diễn vấn đề”, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới