Trong tương lai gần, Thái Bình Dương sẽ trở thành đấu trường đối đầu giữa tàu ngầm và các tàu săn chúng
Stephen Stashwick, chuyên gia hàng hải của ấn phẩm “The Diplomat”, cho rằng cách tiếp cận mới để phòng thủ chống tàu ngầm, hiện đang được triển khai ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang có một bước tiến mới.
Để so sánh, Nga có cả một lớp tàu phục vụ cho mục đích này.
Đó là tàu chống ngầm cỡ lớn (BOD), là những con tàu hoạt động ở đại dương, xét về vũ khí trang bị lúc bấy giờ, hoàn toàn phù hợp để tìm kiếm tàu ngầm khiến đối phương phải đau đầu.
BOD của dự án 1155 hiện vẫn còn đang làm nhiệm vụ, nhưng chiếc “trẻ” nhất cũng đã 30 tuổi.
BOD của Dự án 1155.1 – nói chung, giống như một thứ gì đó phối hợp giữa một tàu khu trục và tàu tuần dương. Và nó có thể được gắn trên một chiếc tàu tuần dương trong những hoàn cảnh thích hợp.
Nhưng ngày nay, kế hoạch của Mỹ và Trung Quốc có cái gì đó hoàn toàn khác. Chúng được chuyên môn hóa cao: chỉ để tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm.
Các tàu “Meridian” (“Kinh tuyến”) của Nga là những con tàu có nhiều khả năng hơn, nhưng những gì Mỹ đã lên kế hoạch có thể được gọi là tàu trinh sát sonar, vì nó chỉ tập trung vào hoạt động của tàu ngầm.
Mỹ đang bắt đầu phát triển một dự án cho một thế hệ tàu mới, nhiệm vụ chính của nó sẽ là chống tàu ngầm của đối phương. Và chiếc đầu tiên trong số những con tàu này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.
Nhiều con tàu nghiên cứu đang làm việc vì sự an toàn của Hoa Kỳ, nhiệm vụ chính của chúng là kéo theo một trạm sonar, có khả năng theo dõi tàu ngầm rất tốt.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Hải quân Mỹ đã trang bị các tàu trinh sát thủy âm (KGAR) kiểu T-AGOS. Đây là những con tàu có lượng choán nước 3100 tấn, tốc độ hành trình 9,6 hải lý / giờ.
Thân tàu thuộc dạng catamaran (tàu 2 thân), giúp giảm đáng kể tiếng ồn của tàu và có sự ổn định trong sóng to gió lớn. KGAR không có vũ khí riêng, nhưng chúng có thể chở trực thăng chống ngầm trên tàu. Vũ khí chính của chúng là một ăng-ten kéo kiểu “SURTASS” và một sonar tần số thấp chủ động.
Hệ thống sonar phát hiện sớm tàu ngầm bao gồm hai thành phần: một ăng ten LFA chủ động và một SURTASS thụ động. Thành phần chính của hệ thống là SURTASS.
Trong quá trình hoạt động, ăng ten chìm trong nước ở độ sâu 150 đến 450 mét và được kéo theo với tốc độ 3 – 4 hải lý / giờ. Và trong điều kiện như vậy, tổ hợp phân tích KGAR bắt đầu “lắng nghe” tiếng tàu ngầm trong bán kính 350 km.
Vào năm 2025, đội tàu KGAR của Hải quân Mỹ gồm 5 chiếc sẽ hết thời hạn sử dụng và chúng sẽ được thay đổi bàng một loạt các tàu tương tự, nhưng hiện đại hơn, gồm 6-7 chiếc.
Quân đội Mỹ hết sức quan ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện của tàu ngầm ở tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng trong năm 2020, đã có thêm hai tàu ngầm Đề án 094 được triển khai tên lửa đạn đạo.
Thêm vào đó, thông tin về việc Trung Quốc chế tạo tên lửa mới JL-3, có tầm bắn lên tới 12.000 km và được dùng cho các tàu mới của dự án 096, sẽ hoàn thành vào năm 2025, cũng làm tăng thêm sự lo ngại cho Mỹ.
Với tầm bắn như vậy cho phép dễ dàng đánh trúng các mục tiêu ở trung tâm nước Mỹ từ vùng Biển Philippines chẳng hạn. Và đó thực sự là một nguyên nhân đáng lo ngại.
Do đó, hoàn toàn hợp lý khi lực lượng hải quân Mỹ cực kỳ quan tâm đến việc chế tạo các tàu mới để phát hiện sớm và theo dõi tàu ngầm. Ngoài ra, việc sử dụng các tàu nhỏ trên vùng biển Thái Bình Dương (kể cả đóng mới) cũng rẻ hơn nhiều so với các chiến hạm và tàu khu trục cùng loại.
Vì vậy, năm 2025 có thể được đánh dấu bằng một vòng đối đầu mới giữa hạm đội Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Và chúng ta không thể không nhắc đến Nhật Bản. Hạm đội Nhật Bản ngày nay là một trong những hạm đội phát triển nhanh nhất.
Và trong bối cảnh có những xích mích thường xuyên với Trung Quốc, quốc gia có đội tàu ngầm thường xuyên “nắn gân” lực lượng phòng thủ chống tàu ngầm của Nhật Bản cho nên không có gì ngạc nhiên khi vào tháng 3 năm 2020, Nhật Bản đã đưa vào vận hành tàu trinh sát đại dương mới đầu tiên của mình.
Hiện tại, Nhật Bản đã có 3 tàu trinh sát và theo dõi thủy âm hiện đại. Mỹ đã chia sẻ với Nhật trong lĩnh vực này nên các tàu của Nhật cũng mang theo SURTASS. Hạm đội Nhật Bản là hạm đội nước ngoài duy nhất trên thế giới được trang bị tổ hợp của Mỹ.
Và đó cũng là những con tàu 2 thân …
Còn về phía Trung Quốc, do nhận thức được rằng các hệ thống phát hiện và theo dõi tiên tiến mang lại những lợi thế đáng kể nên Trung Quốc đã giao cho các chuyên gia của mình phát triển đội tàu KGAR của họ.
Và ngày nay hải quân Trung Quốc có 3 tàu như vậy. Một số khác đang được xây dựng tại các nhà máy đóng tàu.
Các con tàu của Trung Quốc cũng được chế tạo theo công nghệ catamaran. Kết hợp với hệ thống động cơ diesel-điện, những con tàu như vậy là một mục tiêu rất khó chịu đối với tàu ngầm, vì chúng là những con tàu cực kỳ yên tĩnh về mặt âm học.
Và tính ổn định hướng mang lại sự ổn định cần thiết cho việc khảo sát và nghiên cứu thủy văn bằng cách sử dụng sóng siêu âm và các thiết bị âm thanh khác. Và, tất nhiên, là còn để xác định vị trí của tàu ngầm.
Tàu của Trung Quốc có sự tương đồng không thể phủ nhận với các tàu trinh sát của Hải quân Mỹ, điều này khẳng định sự phát triển song song của Trung Quốc và Mỹ.
Hình ảnh về các tàu Trung Quốc không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc triển khai các tổ hợp giám sát trên boong, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không có ở đó.
Sẽ rất thú vị nếu được so sánh các đặc điểm của các con tàu và thiết bị của chúng, nhưng rất tiếc, việc tìm kiếm dữ liệu (đặc biệt là tàu của Trung Quốc) vẫn là điều không thực tế.
Hoa Kỳ coi các tàu ngầm tiên tiến và độ ồn thấp của họ là lợi thế chính trước một đối thủ tiềm tàng, đó là Trung Quốc. Và họ chắc chắn muốn lôi kéo Nhật Bản để hoạt động chống lại hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, rõ ràng là trong tương lai gần, Thái Bình Dương sẽ trở thành đấu trường đối đầu giữa tàu ngầm và các tàu săn chúng với sức lực mới. Giống như trong Chiến tranh Lạnh, khi tàu của Mỹ và Liên Xô chống lại nhau. Chỉ có điều bây giờ sẽ có một bên là Trung Quốc, bên kia là Mỹ và Nhật.
5 tàu Mỹ và 3 tàu Nhật Bản (cộng với những tàu mới của Mỹ, đã được nhắc tới ở trên) chống lại 3 tàu của Trung Quốc (cộng với một số lượng đang được đóng) sẽ khiến Thái Bình Dương không phải là nơi thuận tiện nhất cho tàu ngầm.