Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngBộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế...

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ lên kế hoạch đối phó TQ

Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang được cho là có ưu thế áp đảo Mỹ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền.

Các tàu chiến Mỹ hiện diện trên Biển Đông hồi tháng 10/2019.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ vừa phác thảo kế hoạch chi tiêu mới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có việc bổ sung các loại vũ khí mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và phối hợp với các đồng minh của nước này.

Bản báo cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trình lên Quốc hội hôm qua (1/3), kêu gọi cấp ngân sách 27 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027. Với một vài thay đổi lớn so với đề xuất ngân sách năm 2020, kế hoạch chi tiêu mới đề xuất cung cấp các tên lửa và hệ thống phòng không mới, hệ thống radar, xây dựng trung tâm chia sẻ thông tin tình báo, bãi thử nghiệm trên khắp khu vực và tăng cường tập trận với đồng minh, đối tác.

Trước đó vào năm 2020, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã yêu cầu chi 18,5 tỷ USD đến năm 2026 và đề xuất xây dựng cơ sở cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.

“Các đề xuất được nêu trong báo cáo này được đưa ra để cảnh báo các đối thủ tiềm năng của Mỹ rằng, bất cứ hành động quân sự phủ đầu nào sẽ phải trả giá đắt và có khả năng thất bại trước sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy của các lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng”, Defense News dẫn tóm tắt báo cáo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết.

Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố biên bản ghi nhớ, trong đó nhấn mạnh, hỏa lực tầm xa là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chi tiêu quân sự cho năm tài khóa 2022, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nhắc lại lời kêu gọi xây dựng mạng lưới các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền, có tầm bắn hơn 500km, để bảo vệ các máy bay và tàu chiến. Cơ quan này cho biết, Trung Quốc đang được cho là có ưu thế áp đảo Mỹ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền.

Hồi đầu tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia đối với Trung Quốc vì cho rằng Mỹ đang đối mặt với những thách thức gia tăng từ Trung Quốc – quốc gia có lực lượng quân đội ngày càng hiện đại hóa và hành động ngày càng quyết đoán hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết thực hiện cách tiếp cận mới.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện, ông Austin cho biết, ông nhất trí với đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang nuôi tham vọng phát triển một lực lượng quân đội với năng lực ngang bằng hoặc vượt trội quân đội Mỹ vào năm 2050. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương là một “công cụ hữu dụng” và ông sẽ phối hợp với Quốc hội để thực thi sáng kiến này.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhắc lại lời kêu gọi phân bổ 1,6 tỷ USD xây dựng năng lực phòng thủ tích hợp và bền vững tại đảo Guam, với  sự hỗ trợ của hệ thống radar tần số cao trị giá khoảng 200 triệu USD đặt tại Palau để phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên biển và trên không, cùng hệ thống radar đặt ngoài không gian ước tính trị giá 2,3 tỉ USD.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất khoản kinh phí 3,3 tỷ USD để mua sắm các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền, có phạm vi hoạt động hơn 500km, hợp thành “các mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất vây quanh Trung Quốc (bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishima, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines).

Đô đốc Philip Davidson cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là thiết lập một hệ thống lá chắn tên lửa trên mặt đất (Aegis Ashore) tại đảo Guam vào năm 2026, giúp bảo vệ người dân và các lực lượng Mỹ ở đây. Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai ở đảo Guam có thể bảo vệ hòn đảo này trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tuy nhiên radar AN/TPY-2 của nó được cho là dễ bị tổn thương và không thể cung cấp tầm nhìn 360 độ. Ngoài ra, ông Davidson muốn phát triển loại máy bay chuyên biệt mới để thực hiện nhiệm vụ thu thập tình báo trên khắp khu vực với kinh phí 206 triệu USD. Sự kết hợp của các loại vũ khí được nêu ra trong đề xuất sẽ mang lại ưu thế trên không, trên biển và cho phép các lực lượng Mỹ gia tăng khả năng cơ động.

Trong số các kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ với đồng minh, có kế hoạch phân bổ 2,5 tỷ USD cho chương trình xây dựng, huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh quốc gia của các đồng minh và đối tác.

Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ được thắt chặt dưới thời Tổng thống Biden, báo cáo nhấn mạnh, Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương sẽ là một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực, đồng thời giảm các nguy cơ rủi ro và tránh leo thang căng thẳng.

Theo kế hoạch phác thảo, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xin cấp 4,6 tỷ USD cho năm tài chính 2022, ít hơn so với kinh phí trong năm tài chính 2021. Một phần của khoản kinh phí này sẽ chi cho Sáng kiến phòng thủ châu Âu. Sáng kiến phòng thủ châu Âu được coi là tiền đề của Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương, nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.

Ông Eric Sayers, một cựu quan chức của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết: “Báo cáo này là sản phẩm của thỏa thuận đã được lưỡng viện Quốc hội nhất trí, sau khi đánh giá rằng kế hoạch hiện tại của Bộ Quốc phòng nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng quân sự ngày càng gia tăng ở Thái Bình Dương là chưa đủ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới