Friday, November 15, 2024

“Bộ tứ +”

“Bộ tứ” là cách giới chuyên môn định danh nhóm các nước Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ bắt tay nhau phản đối Trung Quốc đang đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước những diễn biến mới gần đây, có người cho rằng, “Bộ tứ +” nên là một cách gọi mới.

Tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine của Pháp đã đi qua Biển Đông

Quốc gia đầu tiên nên tính đến là Pháp. Trong ba cường quốc Tây Âu, Pháp không chỉ tỏ ra sốt sắng, xăng xái hơn, mà còn sớm hơn so với Anh và Đức trong việc thể hiện vai trò ở Biển Đông.

Những người theo dõi tình hình đều nhớ, ít nhất, từ năm 2015, sau các hành động gây hấn táo tợn của Trung Quốc với các quốc gia cùng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nhất là Việt Nam, Philippines, Pháp đã có các động thái mang tính quyết đoán: Cử chiến hạm tới Biển Đông; phối hợp tập trận chung với hải quân Australia, Malaysia…

Cũng thời điểm này, Pháp ra tuyên bố chung với Philippines – khi đó đang đứng đơn kiện Trung Quốc, với lời lẽ khá mạnh mẽ, phản đối “bất kỳ hành động hoặc yêu sách” nào “vi phạm luật pháp quốc tế’.

Hiển nhiên, mọi người đều biết, “vi phạm luật pháp quốc tế” ở Biển Đông không ai khác ngoài Trung Quốc.

Năm 2016, các tàu quân sự của Pháp đã cùng tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Cùng năm này, tại Đối thoại Shangri-La, Pháp khơi mào sáng kiến tuần tra chung của Liên minh châu Âu ở Biển Đông nhằm thúc đẩy tự do hàng hải…

Cùng với sự gia tăng độ nóng ở Biển Đông, hành động của Pháp cũng ngày một mạnh mẽ hơn.

Năm 2019, Pháp cử một tàu hộ tống đến Biển Đông, bất chấp sự giận dữ và quy kết của Bắc Kinh coi đó là hành động “xâm phạm lãnh hải”.

Giữa tháng 9 năm 2020, Pháp cùng Anh và Đức gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn; chính thức ủng hộ phán quyết của PCA về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông…

Đặc biệt, năm 2021, các động thái của Paris liên quan Biển Đông dồn dập. Nó khiến giới chuyên môn phải dùng từ “bất thường” để diễn đạt tình hình. Ngày 9/2, Pháp công khai cho biết, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ đã hoàn thành cuộc tuần tra qua Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly không giấu diếm ý nghĩa của động thái quân sự này, với lời khẳng định: “Đây là bằng chứng nổi bật cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược của chúng tôi như Úc, Mỹ và Nhật Bản”. Với dư luận, động thái quân sự mạnh mẽ này của Pháp cần được hiểu như sự đáp lại những hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Cũng với tinh thần ấy, chỉ sau “vụ tầu ngầm” 10 ngày, Paris cho biết: Hai tàu chiến của Hải quân Pháp – tàu tấn công đổ bộ Tonnere và tàu khu trục Surcouf – ngày 18/2 đã rời cảng Toulon và sẽ đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, để tham gia tập trận với Nhật Bản và Mỹ vào tháng 5/2021 trong một chiến dịch triển khai thường niên của Hải quân Pháp mang tên Jeanne d’Arc với 3 mục tiêu chính: Đào tạo tác chiến thực tế cho 147 sỹ quan chuẩn bị tham gia lực lượng hải quân; triển khai năng lực hoạt động trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược; tăng cường khả năng tương tác và hợp tác khu vực.  

Là một cường quốc biển, Trung Quốc đã phản ứng. Tuy nhiên, để không đẩy vấn đề quá nóng, họ mượn miệng các chuyên gia quân sự để bắn thông điệp tới Paris. Ông Phó Côn Thành, chuyên gia của Viện Biển Đông thuộc trường Đại học Hạ Môn, miền nam Trung Quốc , cho rằng các hoạt động của chiến hạm Pháp tại một khu vực biển có tranh chấp là điều “đáng báo động”, buộc Trung Quốc  phải suy nghĩ về cách đáp trả thỏa đáng. Một nhân vật khác, ông Tống Trung Bình, cựu sĩ quan huấn luyện của Quân đội Trung Quốc, hiện là nhà nghiên cứu và bình luận quân sự, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong rằng “rõ ràng, Pháp có ý định phô trương sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Không úp mở, nhân vật này còn cho rằng, hành động của Pháp thực hiện do “áp lực, sự giật dây của Mỹ”.

Nếu nhận định của ông Tống Trung Bình là đúng, với sự hiện diện ngày càng dày đặc của Pháp tại Biển Đông, và rộng hơn, trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – những nơi đang được hâm nóng bằng những điều hành dưới thời ông Biden, một số nhà bình luận thật có lý khi đề nghị khái niệm “Bộ tứ +” để thể hiện những diễn biến mới trong quan hệ có chiều hướng căng thẳng giữa các cường quốc phương Tây, Nhật Bản và Trung Quốc về những vấn đề liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới