Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiToyota,Honda, Ford mất thị phần trước xe Việt

Toyota,Honda, Ford mất thị phần trước xe Việt

Cả 3 liên doanh Honda, Toyota và Ford đã không tận dụng tốt nhất cơ hội và đã đánh mất khá nhiều thị phần vào tay các đối thủ Vinfast, Thaco và Hyundai Thành Công.

Honda Việt Nam: Phụ thuộc quá nhiều vào xe hai bánh

Năm 2020, doanh số bán xe máy Honda đạt 2,3 triệu chiếc, giảm 16% so với năm 2019, mức giảm tương tự như các công ty xe máy khác (Yamaha giảm 14%, Piaggio giảm 18%, SYM giảm 22%).

Trong khi đó, doanh số của mảng ô tô Honda trong năm 2020 chỉ đạt 24.418 chiếc, giảm 26% so với năm 2019, với thị phần ước tính giảm từ 9,8% xuống 7,3%.

Hoạt động lắp ráp xe Honda CR-V tại Việt Nam mới chỉ được khởi động từ đầu quý 4/2020. Đây được cho là nguyên nhân khiến Honda trải qua một năm kinh doanh ảm đạm vì đã chậm trễ trong việc tận dụng cơ hội từ Nghị định 70. Trong khi đó, CR-V là mẫu xe bán chạy nhất của hãng xe này, chiếm 50% doanh số bán xe Honda.

Honda cũng đang sử dụng chiến lược giảm giá để giành thị phần ô tô vốn đã bị các đối thủ dẫn trước. Điển hình như hãng đã công bố tiếp tục hỗ trợ lệ phí trước bạ bằng cách giảm trực tiếp vào giá bán cho các mẫu xe Honda City và CR-V mặc dù Nghị định 70 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, để cạnh tranh mạnh hơn với đối thủ, Honda chưa cho thấy một chiến lược đa dạng hơn bởi các đối thủ, điển hình như Vinfast, cũng đã và đang sử dụng chiêu hạ giá xe bằng việc tặng phí trước bạ.

Toyota Việt Nam: Hết thời độc tôn “ông lớn”

Doanh số bán ô tô Toyota trong quý 4/2020 đạt 29.583 chiếc, tăng 86% so với quý trước và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lũy kế năm 2020, tổng doanh số của Toyota chỉ đạt 70.692 chiếc, giảm 11% so với năm 2019.Toyota Việt Nam: Hết thời độc tôn “ông lớn”

Nguyên nhân do trong năm 2019, Toyota đã tập trung nhiều vào việc marketing các mẫu xe nhập khẩu mới, như Granvia và Corolla Cross nhằm thay cho các mẫu xe cũ lắp ráp trong nước như Corolla, Innova, Fortuner. Điều này đã ảnh hưởng đến thị phần của hãng trong năm 2020 và làm giảm doanh số bán các mẫu xe Toyota lắp ráp trong nước, vốn dĩ có thể có nhiều lợi thế hơn từ Nghị định 70.

Toyota hiện đang mất thị phần vào tay 3 đối thủ chính (Hyundai, Thaco và Vinfast) do cạnh tranh về giá tương đối lớn, nhất là khi các hãng xe này cung cấp nhiều option hơn và ra mắt nhiều mẫu xe rẻ hơn.

Cho đến nay, Toyota vẫn chưa có thay đổi đáng kể nào về các mẫu xe. Rất có thể hãng sẽ phải giảm giá sâu các mẫu xe của mình để thúc đẩy doanh số năm 2021. Các mẫu xe chủ lực của hãng (Fortuner, Innova) đã giảm giá khoảng 8-12% so với đầu năm để lấy lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhất là trước một số đối thủ mới như Vinfast đã giảm giá mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo ước tính của bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research), doanh số của Toyota Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt kết quả ngang với mức tăng chung của thị trường, nhưng lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng do cạnh tranh gay gắt về giá như hiện nay.

Ford Việt Nam: Cần thêm thời gian sắp xếp lại

Trong năm 2020, doanh số của Ford Việt Nam đạt 24.663 chiếc, giảm 23% so với năm 2019. Do 80% số lượng xe Ford tại Việt Nam là dòng xe nhập khẩu nên hãng đã không thể tận dụng lợi thế từ Nghị định 70, đồng nghĩa với việc Ford Việt Nam dễ dàng bị các đối thủ vượt mặt.

Ngoài ra, do Ford Việt Nam gần đây đã rút khỏi thị trường sedan và hatchback nên thị phần của hãng ước tính cũng giảm mạnh xuống từ 9,5% còn 7,3% trong năm 2020.

Hiện Ford đang chuyển chiến lược từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước đối với hầu hết các mẫu xe của hãng. Trong năm 2020, Ford Việt Nam cũng công bố đầu tư mở rộng thêm 40% công suất dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam và dự kiến năm 2022 ra mắt các mẫu xe lắp ráp chủ lực như Ford Escape và Ford Ranger.

Ford Việt Nam cũng có kế hoạch rút toàn bộ khỏi các phân khúc khác để tập trung vào dòng xe SUV, MPV (xe đa dụng) và xe crossover. Dự kiến quá trình tái cấu trúc có thể mất 2-3 năm.

“Sức khỏe” của 3 liên doanh nói trên có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần tại liên doanh Honda Việt Nam, 25% cổ phần tại liên doanh Ford Việt Nam, và 20% cổ phần tại liên doanh Toyota Việt Nam.

Năm 2020, VEAM đạt 5,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 22% so với năm 2019. Theo ước tính của SSI, 90% lợi nhuận của VEAM đến từ 3 liên doanh nói trên với khoảng 5.109 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 80% lợi nhuận đến từ liên doanh Honda Việt Nam (khoảng 4.477 tỷ đồng), riêng mảng xe máy đóng góp khoảng 80% trong khoản lợi nhuận này.

RELATED ARTICLES

Tin mới