Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao TQ trở thành “kẻ thù số một” của Mỹ?

Vì sao TQ trở thành “kẻ thù số một” của Mỹ?

Sau khi Joe Biden lên làm ông chủ Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi nghiêm trọng. Nhận định: Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc đang rơi vào tình trạng “Chiến tranh lạnh kiểu mới”, tiếp tục là đề tài nóng trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, tại Mỹ đã có cuộc khảo sát rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng về thái độ của người dân nước này đối với Trung Quốc. Theo kết quả khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 4/3, đa số người dân Mỹ đề nghị chính quyền của tân Tổng thống Biden đã cứng rắn càng phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Sự cứng rắn thể hiện tạp trung chủ yếu trên hai mặt là kinh tế và nhân quyền.

Cuộc khảo sát được tiến hành một cách khoa học, công phu, diễn ra trong tuần đầu của tháng 2, tức là hai tuần sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Đã có khoảng 2.600 người được hỏi ý kiến, là những người  được lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Điểm đáng chú ý là, so với các lần khảo sát trước đây, lần này quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã tăng cao. Có tới 89% người được hỏi ý kiến cho rằng, Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh  lớn nhất của Mỹ, đòi hỏi Lầu Năm Góc không được một chút ảo tưởng, mất cảnh giác. Đặc biệt, số người cho rằng Bắc Kinh là kẻ thù của Washington cũng tăng vọt. So với cuộc khảo sát năm 2020, số người nhận định Bắc Kinh là “kẻ thù” tăng lên 83%.

Rất nhiều người (48%) tham gia cuộc khảo sát có một nỗi lo hiện hữu, rằng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang gia tăng đáng kể. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden phải là, tìm cách thu hẹp, làm giảm đáng kể sự ảnh hưởng đó.

Cuộc khảo sát diễn ra vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống mới cho thấy, đại đa số người dân Mỹ khẳng định phải dùng mọi biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc. Hơn 70% số người tham gia đề nghị chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Có tới hơn 50% cho rằng thái độ cứng rắn hơn trong các vấn đề kinh tế quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng một mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc.

Trong hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa thì Đảng Cộng hòa có xu hướng căng thẳng hơn với Trung Quốc, nhất là phe bảo thủ. Có tới gần 70% ý kiến được hỏi cho rằng, Bắc Kinh là “kẻ thù” số một. Còn đảng Dân chủ chỉ có 20% nhận định Trung Quốc là kẻ thù lâu dài của Mỹ.

Một vấn đề đáng chú ý khác là hướng điều tra dư luận xã hội theo chiều ngược lại: Ai ủng hộ chơi với Trung Quốc? Hôm 1/3, Công ty Gallup của Mỹ đã công bố một kết quả nghiên cứu: Quan điểm tích cực của người dân Mỹ đối với Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Thật ra mâu thuẫn Trung – Mỹ ngày càng gia tăng không có gì lạ. Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là Trung Quốc muốn ngoi lên vị trí số một thế giới, trong đó có âm mưu độc chiếm Biển Đông để ra giá và khống chế Mỹ.

Nhìn tổng thể, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh chiến lược mang hình thái “Chiến tranh lạnh kiểu mới”. Nó có nhiều điểm giống với Chiến tranh lạnh “kiểu cũ” 1.0 trước kia giữa Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1990: Cạnh tranh ngôi vị đứng đầu thế giới; cạnh tranh không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn lan rộng sang tất cả các lĩnh vực từ quân sự đến chính trị, an ninh, hệ giá trị và cả ý thức hệ; cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra trong thời gian dài; cả hai bên đều kiềm chế để không xảy ra “chiến tranh nóng”, đối đầu trực tiếp.

Tuy nhiên, nó “mới” ở chỗ: Chiến tranh lạnh phải tìm lời giải cho câu hỏi “ai thắng ai”. Còn nay là câu hỏi “ai hơn ai” Về ý thức hệ trong cạnh tranh Mỹ – Trung có sự khác biệt so với thời kỳ Chiến tranh lạnh “kiểu cũ”. Nó không xung khắc hoàn toàn mà dựa trên bản chất vì lợi ích quốc gia và đặt cả thế giới bên ngoài dưới lợi ích quốc gia ấy.

Hiện tại Mỹ và Trung Quốc đều không muốn cuộc chiến kéo dài, địa bàn cạnh tranh và đối đầu không còn giới hạn trên không, trên biển hay mặt đất như Chiến tranh lạnh “kiểu cũ”. Cuộc chiến tranh lạnh ở giai đoạn này được mở rộng ra cả không gian thực lẫn không gian ảo. Và rồi kết cục cuộc chiến sẽ không phải là sự triệt tiêu, loại bỏ nhau. Hai bên đều hướng tới một sự thỏa hiệp phản ánh lợi ích của mỗi bên mà cả hai đều có thể chấp nhận.

Trước các ông lớn như thế các nước ASEAN có chủ quyền ở Biển Đông thật sự khó xử. Đi với Mỹ hay đi với Trung Quốc đều là bài toán phải cân nhắc rất kỹ càng. Có điều việc phải làm ngay là không để chiến dịch “tằm ăn dâu” của Trung Quốc dễ dàng được thực hiện. Khi ấy cái “nong tằm” Biển Đông sẽ nằm gọn trong sân của họ.

Còn làm như thế nào, đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý, đấu tranh quân sự ra sao thì cần có một chiến lược hết sức bài bản, với sự đoàn kết quốc tế rất cao mới đè bẹp được ý chí bành trướng của Trung Nam Hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới