Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông “nhộn nhịp”

Biển Đông “nhộn nhịp”

Mỹ đang hớn hở về việc các cường quốc Tây Âu tiếp nối nhau điều tàu chiến tới Biển Đông. Sự kêu gọi, cổ vũ cùng các động thái hưởng ứng của các đồng minh chủ chốt phương Tây của Mỹ đã và đang khiến Biển Đông trở nên “nhộn nhịp”.

Khinh hạm F220 thuộc lớp Sachsen (dưới) và khinh hạm F211 thuộc lớp Bremen của Đức

Với các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp, Anh, quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Giao dịch thương mại với Trung Quốc là giao dịch với một thị trường khổng lồ gồm 1,4 tỷ dân; là quan hệ kinh tế với nền kinh tế thứ 2 thế giới, sau Mỹ, nhưng trong tương lai gần, sẽ vượt Mỹ –  theo dự đoán của các nhà kinh tế.

Riêng với Đức, 5 năm liên tiếp vừa qua, Trung Quốc đã vượt qua Hà Lan và Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất. Năm 2020, trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia này lên tới 258 tỷ USD; Trung Quốc cũng thành thị trường xe hơi lớn nhất của Đức. Với Anh và Pháp, quan hệ kinh tế với Trung Quốc chưa được như Đức, dù vậy, các “cường quốc già” này đủ khôn để hiểu rằng: Dại gì mà không làm ăn với một gã nhà giàu đang lên, tiêu tiền như…rác.

Nhưng, kinh tế là một chuyện. Cạnh tranh nhau về vị thế, vai trò, tiếng nói… đối với các vấn đề có tính toàn cầu, lại là chuyện khác, trong đó có câu chuyện Biển Đông.

Biển Đông đang là sự thèm khát của Trung Quốc. Trung Quốc muốn “nuốt gọn” nó bằng “đường 9 đoạn”. Sự tham lam của Trung Quốc khiến dư luận ghét quá, mỉa mai bằng cụm từ “đường lưỡi bò”. Các nước duyên hải cũng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia cũng chống lại. Nhưng Trung Quốc, với cơ bắp cuồn cuộn, nhìn mấy nước “tin hin” này cười nhếch mép. Bắc Kinh giận dữ nhất, và ngại nhất, là việc Mỹ, từ tít bên kia đại dương, thò tay, chân vào chọc ngoáy vùng biển này với danh nghĩa thực hiện “tự do hàng hải” – điều mà Trung Quốc cho là quá ư vô lý.

Trong câu chuyện Biển Đông, tự mình chưa đủ, gần đây, Mỹ còn hô hào các đồng minh chủ chốt, trong đó có các cường quốc Tây Âu, cần thể hiện trách nhiệm thực thị cái gọi là “tự do hàng hải”, thực chất là cùng hợp sức để ngăn cản Trung Quốc hiện thực hóa giấc mộng bá chủ.

Đồng minh chủ chốt của Mỹ dường như chỉ chờ có thế.

Đầu năm 2021, Pháp điều tàu ngầm tấn công hạt nhân tuần tra ở Biển Đông với danh nghĩa kiểm tra “năng lực của hải quân trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược…”. Cũng Pháp, chỉ sau đó vài ngày, cho tàu tấn công đổ bộ Tonnere và tàu khu trục Surcouf  đến khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, để tham gia tập trận với Nhật Bản và Mỹ vào tháng 5/2021 trong một chiến dịch triển khai thường niên của Hải quân Pháp mang tên Jeanne d’Arc.

Chậm mà chắc, Anh cũng đang điều động hải quân đến khu vực này, với một thông báo hôm 27/2 rằng tàu HMS Queen Elizabeth sẽ ra khơi trong chuyến đi đầu tiên vào tháng 5/2021 và dự kiến sẽ đến Đông Á vào cuối mùa hè cùng năm.

Còn Đức, giới chức chính phủ nước này, hôm 3/3, đã tuyên bố một tàu khu trục của Đức sẽ lên đường đến Châu Á vào tháng 8/2021; trong hành trình trở về, sẽ trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Để làm dịu cơn thịnh nộ của Bắc Kinh, Đức cho biết, con tàu sẽ không đi qua khu vực “12 hải lý”, hàm ý chừa ra các khu vực tranh chấp trên biển mà Trung Quốc  tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, nghĩa là có phần khác với các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ.

 Lựa lời đến thế, hành động của Đức vẫn khiến Trung Quốc nổi khùng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức lên tiếng cảnh cáo: Các nước được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên đường thủy theo luật pháp quốc tế, nhưng “Họ không thể lấy đó làm cái cớ để phá hoại chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”.

Trung Quốc tức tối, nhưng Mỹ thì hồ hởi ra mặt qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao bình luận trước thông tin này: “Chúng tôi (Mỹ) hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”.

 Với diễn biến đó, nhiều người cho rằng: Biển Đông vốn đã nhộn nhịp tàu bè, sẽ càng nhộn nhịp hơn trong thời gian tới với sự góp mặt thêm các chiến hạm các cường quốc Tây Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới