Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự thực và tham vọng về hải quân của TQ

Sự thực và tham vọng về hải quân của TQ

Trung Quốc đã gây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay và đang nỗ lực để vươn tầm hoạt động viễn dương – theo CNN.

Vào tháng 4/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hiện diện trên một tàu khu trục của hải quân ở biển Đông và giám sát cuộc diễu hành trên biển của hạm đội Trung Quốc với 48 chiến hạm, hàng chục chiến đấu cơ, và hơn 10.000 binh sĩ.

“Nhiệm vụ xây dựng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp bách như ngày nay,” ông Tập phát biểu tại sự kiện.

Trung Quốc đã lao vào công cuộc đóng tàu mà thế giới chưa từng thấy, sau khi ông Tập phát động cuộc cải tổ sâu rộng đối với Quân Giải phóng nhân dân (PLA), nhằm biến quân đội Trung Quốc thành lực lượng chiến đấu đẳng cấp hàng đầu thế giới. Đầu tư rót vào các nhà máy đóng tàu và công nghệ đến nay vẫn tiếp tục phát triển.

Hải quân Trung Quốc có quy mô hạm đội vượt Mỹ

Trung Quốc đã ở giữa một làn sóng đóng tàu mà thế giới chưa từng thấy. Năm 2015, ông Tập đã tiến hành một dự án sâu rộng nhằm biến PLA thành lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới, ngang hàng với quân đội Hoa Kỳ. Ông đã ra lệnh đầu tư vào các nhà máy đóng tàu và công nghệ tiếp tục phát triển với tốc độ ngày nay.

Theo CNN, kế hoạch của ông Tập đã có hiệu quả trên ít nhất 1 tiêu chí. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Bắc Kinh đã xây dựng được lực lượng hải quân quy mô lớn nhất thế giới, và nay đang nỗ lực để vươn tầm hoạt động ra xa bờ biển.

Năm 2015, hải quân Trung Quốc (PLAN) có 255 tàu chiến – theo số liệu của Văn phòng Tình báo Hải quân (ONI), Mỹ. Đến cuối năm 2020, lực lượng này có đến 360 tàu, nhiều hơn 60 tàu so với hải quân Mỹ.

ONI dự báo trong 4 năm nữa, PLAN sẽ sở hữu lực lượng với 400 chiến hạm. Báo cáo của lãnh đạo hải quân, thủy quân lục chiến và cảnh sát biển Mỹ vào tháng 12/2020 nói rằng quy mô lực lượng hải quân Trung Quốc “đã tăng gấp ba lần so với hai thập kỷ trước”.

“Hiện đã chỉ huy lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang đóng các tàu chiến mặt nước hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu tuần duyên cỡ lớn và tàu phá băng vùng cực với tốc độ đáng báo động.”

Một số khí tài của Trung Quốc được cho là ngang bằng, thậm chí tốt hơn những trang bị mà Mỹ hay những cường quốc hải quân có thể hạ thủy.

“PLAN không nhận ‘rác’ từ ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc mà là những chiếc tàu ngày càng tinh vi, có năng lực,” giáo sư Andrew Ericksonn, từ Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc của Đại học Hải quân Hoa Kỳ, viết trong một bài báo hồi tháng Hai.

Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc đã biên chế tàu khu trục Type 055 thứ hai cho hải quân nước này. Đây là loại tàu tấn công đổ bộ có thể đưa hàng nghìn binh lính Trung Quốc đến gần các bờ biển nước ngoài.

Trong khi PLA dự kiến sở hữu 400 tàu chiến vào năm 2025, kế hoạch đóng tàu của Mỹ vẫn hướng đến hạm đội gồm 355 tàu. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có hơn 330.000 quân nhân phục vụ trong hải quân, nhiều hơn so với 250.000 của Trung Quốc.

Nick Childs, nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đánh giá ưu thế lớn nhất của hải quân Trung Quốc so với hải quân Mỹ nằm ở “lực lượng tuần tra và tác chiến ven biển, các tàu hộ vệ và cấp thấp hơn”.

Theo CNN, đã có những dấu hiệu đáng ngại với Washington khi Mỹ phải chật vật với các vấn đề về ngân sách và tác động của đại dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn so với Trung Quốc. Các nhà phân tích lo ngại xu hướng trong tương lai, bao gồm việc Quốc hội Trung Quốc thông qua ngân sách quốc phòng tăng 6.8% so với năm ngoái, đang đi theo hướng của Bắc Kinh.

Trung Quốc vô địch về đóng tàu

Trung Quốc gây dựng hạm đội lớn nhất thế giới nhờ vị thế nhà đóng tàu thương mại lớn nhất thế giới.

Năm 2018, Trung Quốc nắm 40% thị phần đóng tàu thế giới (tính theo đơn vị tấn) – theo số liệu của Liên hợp quốc, vượt xa nước đứng thứ hai là Hàn Quốc với 25%.

Số lượng tàu Trung Quốc đóng trong thời bình (năm 2019) nhiều hơn tổng số tàu mà Mỹ đóng trong Thế chiến II (1941-1945).

Các công ty tàu bè quốc doanh Trung Quốc cũng là điểm tựa xây dựng hải quân của nước này.

“Năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, bao gồm các nhà máy đóng tàu thương mại bổ sung, có thể nhanh chóng được chuyển đổi sang sản xuất và sửa chữa quân sự, làm gia tăng khả năng tạo ra lực lượng quân sự mới của Trung Quốc,” giáo sư Erickson nhận định.

Báo cáo của China Power Project thể hiện trong giai đoạn 2014-2018, “Trung Quốc biên chế tàu ngầm, tàu chiến, tàu đổ bộ,… nhiều hơn số tàu hiện phục vụ trong từng lực lượng hải quân của Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh.”

Với tốc độ đóng tàu hiện nay, Trung Quốc được dự báo sẽ sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất khu vực, với khả năng tiếp cận toàn cầu, và hướng tới xây dựng hải quân tầm cỡ thế giới nếu PLA tiếp tục phát triển như hiện có.

Chưa thể bắt kịp hải quân Mỹ

Dù hải quân Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng đáng gờm với bất kỳ đối thủ nào của Bắc Kinh, năng lực thực tế của PLAN chưa đạt được mức kỳ vọng.

PLAN cần có các nhóm tác chiến tàu sân bay với không lực mạnh mẽ hơn so với năng lực hiện tại của hạm đội. Trung Quốc hiện vận hành hai tàu sân bay sản xuất trên thiết kế cũ của Liên Xô, mang lại những giới hạn về phạm vi hoạt động và số lượng máy bay trên tàu, cũng như trọng tải đạn dược của các máy bay này.

Hạm đội của Trung Quốc còn kém xa so với hạm đội 11 tàu sân bay của Mỹ. Và chỉ một trong những tàu sân bay của Mỹ cũng đủ để phát đi những thông điệp mạnh mẽ khi xuất hiện ngoài khơi nước khác.

“Một tàu sân bay của hải quân Mỹ, cùng không lực của nó, còn mạnh mẽ hơn không lực của hầu hết các nước,” chuyên gia quân sự Mỹ Eric Wertheim bình luận. Hải quân Trung Quốc chưa đạt được đẳng cấp này.

Các tàu sân bay Trung Quốc vẫn chưa hoạt động ở ngoài phạm vi Tây Thái Bình Dương. Dù các chiến hạm PLA từng được điều động đến Ấn Độ Dương, Đại Trung Hải hay Bắc Đại Tây Dương và các cảng miền bắc nước Nga, số lượng chiến dịch tương đối ít và không thường xuyên.

Hồi tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin một nhóm tàu hải quân gồm ít nhất 5 tàu do một khu trục hạm tên lửa dẫn đầu đã băng qua đường xích đạo và tiến ra khơi. Tờ báo cho biết nhóm tàu đã hoạt động trên biển trong khoảng 3 tuần, lưu ý rằng nhiệm vụ như thế cho phép PLA làm quen với các vùng viễn dương.

Nhiều nhà phân tích nhận xét nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân nước xanh của Trung Quốc có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.

“Đến năm 2049 Trung Quốc hướng đến sở hữu đội quân toàn cầu có thể chiến đấu và chiến thắng, và hiện diện sức mạnh ở toàn cầu,” Meia Nouwens, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nêu trong báo cáo thường niên của tổ chức này.

RELATED ARTICLES

Tin mới