Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiện32 nhà máy TQ bị đốt phá trong ngày biểu tình đẫm...

32 nhà máy TQ bị đốt phá trong ngày biểu tình đẫm máu ở Myanmar

Đại sứ quán Trung Quốc khẩn cấp đề nghị Myanmar đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho công dân của họ sau khi một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị người biểu tình đốt phá, tấn công.

Khói bốc lên từ khu công nghiệp ở Hlaingtharya, ngoại ô Yangon, Myanmar ngày 14/3

32 nhà máy Trung Quốc bị đốt phá

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, ngày 14/3, người biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar đã phóng hỏa, tấn công nhiều nhà máy ở khu công nghiệp thuộc thị trấn Hlaingthaya, phía nam thành phố Yangon.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cho biết, tổng cộng 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư đã bị đập phá trong các cuộc tấn công “nghiêm trọng” nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc ở Yangon tính đến trưa nay 15/3. Nguồn tin cho biết thêm, hai người lao động quốc tịch Trung Quốc cũng bị thương, song không có trường hợp nào tử vong.

Thiệt hại vật chất ước tính 240 triệu Nhân dân tệ (gần 37 triệu USD)

Theo hãng tin Myawady của quân đội Myanmar, ngày 14/3, hơn 2.000 người biểu tình đã chặn các tuyến đường để xe cứu hỏa không thể tiếp cận dập đám cháy ở các nhà máy bị phóng hỏa ở Yangon.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở đây bị phóng hỏa và đập phá, một số công dân của họ cũng bị thương. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, đốt phá trên cũng như chưa rõ mức độ thiệt hại, song Đại sứ quán Trung Quốc đã ra thông cáo đề nghị Myanmar ngăn chặn tình trạng này.

“Trung Quốc hối thúc Myanmar tiến hành thêm các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tất cả các hành động bạo lực, trừng phạt những kẻ tấn công theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho doanh nghiệp và người lao động của Trung Quốc ở Myanmar”, thông cáo nêu rõ. Cũng trong thông cáo hôm qua, Trung Quốc kêu gọi người biểu tình ở Myanmar thể hiện các đề nghị của mình một cách hợp pháp và không làm tổn hại đến mối quan hệ song phương với Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là rơi vào thế khó ở Myanmar khi đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối lên án đảo chính ở Myanmar vì cho rằng đây là “vấn đề nội bộ” của quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với cả chính quyền dân sự và quân sự Myanmar, một số ý kiến cho rằng nếu Bắc Kinh gay gắt với chính quyền quân sự, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Myanmar.

Ngày biểu tình đẫm máu

Người biểu tình ở Yangon, Myanmar ngày 14/3

Ngày 14/3 cũng đánh dấu ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi đầu tháng trước nhằm phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Reuters cho biết, ít nhất 39 người đã thiệt mạng chỉ trong ngày 14/3, nhưng SCMP dẫn nguồn một số hãng tin địa phương nói rằng, hơn 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh ở khu vực Yangon hôm qua.

Ngay sau ngày biểu tình đẫm máu này, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố thiết quân luật ở một số khu vực của Yangon, trong đó có Hlaingthaya.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng xuống mặc dù đến nay ít nhất 126 người đã thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giữ.

Binh sĩ và cảnh sát chống bạo động Myanmar bị cáo buộc nổ súng vào người biểu tình ở nhiều thành phố. Lực lượng an ninh Myanmar dùng nhiều cách để giải tán các cuộc biểu tình, dập tắt các phong trào đình công, buộc lao động trong các ngành quan trọng quay trở lại làm việc trước nguy cơ các hệ thống dịch vụ công như ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông có thể sụp đổ. Chính quyền quân sự yêu cầu tất cả các ngân hàng mở cửa trở lại từ hôm nay và tuyên bố sẽ hành động nếu ngân hàng nào không tuân thủ mệnh lệnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới