Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngHải quân TQ – Đông nhưng chưa mạnh

Hải quân TQ – Đông nhưng chưa mạnh

Giới phân tích cho rằng tuy đã vượt qua Mỹ về số lượng tàu chiến, hải quân Trung Quốc còn phải mất nhiều năm và thậm chí vài thập niên mới có thể đạt được năng lực như hải quân Mỹ.

Tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong lần phô trương lực lượng ở Biển Đông năm 2018

Vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh thực hiện dự án phát triển Quân Giải phóng nhân dân (PLA) thành lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới, có thể sánh với quân đội Mỹ. Ông ra lệnh đầu tư vào các xưởng tàu và công nghệ. Ít nhất số liệu cho thấy dự án này đạt kết quả. CNN chỉ ra từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã phát triển hải quân trở thành hải quân lớn nhất thế giới và đang tiếp tục nâng cao khả năng để lực lượng này có thể vươn ra những vùng biển xa.

Trong năm 2015, hải quân Trung Quốc (PLAN) có 255 tàu tác chiến và đến cuối năm 2020, con số này tăng lên 360 chiếc, nhiều hơn hải quân Mỹ tới hơn 60 chiếc, theo CNN dẫn nghiên cứu từ Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ (ONI). ONI dự đoán trong vòng 4 năm nữa, PLAN sẽ có 400 tàu chiến.  

“Lực lượng tác chiến của hải quân Trung Quốc có số tàu tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong 2 thập niên… Đang nắm lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục đóng các tàu chiến nổi hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, chiến đấu cơ, tàu đổ bộ tấn công, tàu tuần tra cỡ lớn và tàu phá băng với tốc độ báo động”, các chỉ huy hải quân, thủy quân lục chiến và lực lượng tuần duyên Mỹ nhận định trong một báo cáo chung hồi tháng 12.2020, theo CNN.

Thực lực so với hải quân Mỹ

Một số nhà phân tích cho rằng số lượng tàu lớn mang lại lợi thế nhất định cho hải quân Trung Quốc. Trong đó, nhà phân tích quốc phòng Nick Childs tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho rằng lợi thế lớn mà PLAN có được so với hải quân Mỹ là nằm ở những tàu tuần tra, tàu tác chiến gần bờ hoặc khinh hạm. Những tàu nhỏ hơn này được củng cố bởi lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển, vốn có số tàu kết hợp đủ lớn để gia tăng gần như gấp đôi sức mạnh tổng thể của PLAN.

Tuy nhiên, hải quân Mỹ được đánh giá vẫn có nhiều ưu thế hơn so với PLAN. Xét về số lượng binh sĩ, hải quân Mỹ lớn hơn với hơn 330.000 quân nhân tại ngũ, so với con số 250.000 của Trung Quốc. Hải quân Mỹ vẫn có nhiều tàu lớn hơn, được trang bị vũ khí hạng nặng hơn so với PLAN, như tàu khu trục tên lửa, tuần dương hạm. Những loại tàu này mang lại lợi thế cho Mỹ về khả năng phóng tên lửa hành trình. Mỹ hiện có hơn 9.000 ống phóng thẳng đứng trên các tàu chiến nổi, trong khi con số này của Trung Quốc ở mức khoảng 1.000, theo ông Childs.

Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm tấn công 50 chiếc của Mỹ đều là tàu ngầm hạt nhân, mang lại lợi thế đáng kể về tầm và thời gian hoạt động so với hạm đội của Trung Quốc, vốn chỉ có 7 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tổng số 62 tàu ngầm.

Hải quân Mỹ còn có 11 tàu sân bay, đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Trung Quốc hiện chỉ có 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng truyền thống. Với thiết kế thời Liên Xô, hai tàu sân bay Trung Quốc hiện bị hạn chế với tầm hoạt động, số lượng máy bay và đạn dược, theo CNN.

“Một tàu sân bay thuộc Hải quân Mỹ cùng không đoàn của tàu có sức mạnh hơn cả không quân của hầu hết các nước”, ông Eric Wertheim, tác giả cuốn sách “Combat Fleets of the World (tạm dịch: Các hạm đội tác chiến của thế giới) do Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ xuất bản, bình luận.

PLAN chưa đạt được năng lực đó, theo CNN. Hai tàu sân bay của Trung Quốc lâu nay chưa có chuyến hải hành nào vượt xa Tây Thái Bình Dương, huống chi là phô diễn sức mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tuy PLAN đã triển khai một số tàu đến Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương đến các cảng phía bắc của Nga, nhưng số lượng không lớn và không thường xuyên, theo CNN.

Mục tiêu trước năm 2049

Hồi tháng 2, Hoàn Cầu thời báo đưa tin một nhóm tàu viễn chinh của Trung Quốc do một chiếc tàu khu trục thuộc lớp Type 052D dẫn đầu đã vượt qua đường xích đạo khi tiến ra vùng biển mở. Hoàn Cầu thời báo không nói rõ địa điểm, nhưng lưu ý nhóm tàu này có thể ở trên biển trong 3 tuần và dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chuyến hải hành như thế giúp PLAN quen với vùng biển xa khi Bắc Kinh hướng tới xây dựng một “hải quân biển xanh”, lực lượng có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng biển xa đất liền và cảng nhà.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm và thậm chí có thể vài thập niên mới có được “hải quân biển xanh”. “Trước năm 2049 (năm đánh dấu nước CHND Trung Hoa tròn 100 tuổi), Trung Quốc đặt mục tiêu có một nền quân đội tầm vóc toàn cầu có khả năng chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh và vươn sức mạnh ra toàn cầu”, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Mỹ Meia Nouwens thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế bình luận.

Trong lúc hướng tới mục tiêu trên, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một số tiêu chuẩn để đo sự tiến bộ. Theo đó, Trung Quốc có thể thiết lập thêm căn cứ ở nước ngoài để hỗ trợ PLAN sau khi đã mở một căn cứ ở Djibouti và phát triển lực lượng vận tải hàng không hạng nặng nhằm cung cấp hàng tiếp tế cho những căn cứ đó.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ triển khai nhóm tàu sân bay đến Ấn Độ Dương và tàu hải quân khác đến Bắc Cực và Đại Tây Dương, theo nhà phân tích Childs.

RELATED ARTICLES

Tin mới