Monday, September 30, 2024
Trang chủBiển nóngNội dung trái pháp luật quốc tế trong chính sách của TQ...

Nội dung trái pháp luật quốc tế trong chính sách của TQ đối với Biển Đông

Nội dung trái pháp luật quốc tế trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông Minh Thanh Thời gian qua, nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc không chỉ tiến hành các hoạt động hung hăng trên thực địa mà còn ban hành nhiều chính sách với nhiều nội dung trái với pháp luật quốc tế, bị các nước phản đối. Chúng ta có thể kể ra như:

 

1. Chính sách trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc

Thứ nhất, Trung Quốc vi phạm những nội dung cốt lõi của nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia là “tôn trọng chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ, sự vẹn toàn lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch”. Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam cũng như các quốc gia hữu quan qua việc ban hành một loạt các văn bản với nội dung khẳng định các quần đảo “Tây Sa”, “Nam Sa” là của Trung Quốc; Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo trong Biển Đông và các vùng nước liền kề. Sự trái nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc còn được thể hiện cụ thể qua các hành động:

(i) Ban hành và hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” chiếm 80% diện tích Biển Đông.

(ii) Thi hành lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm bằng cách tăng cường lực lượng tàu ngư chính xuống Biển Đông.

(iii) Hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa tàu khảo sát xâm phạm vùng biển của các nước trong khu vực.

Thứ hai, Trung Quốc đã có những chính sách, tuyên bố, hành động đi ngược lại với nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, như việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần của quần đảo Trường Sa năm 1988 thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua như phun vòi rồng công suất lớn vào tàu Việt Nam, sử dụng tàu hộ vệ tên lửa, máy bay tuần tiễu, cố tình gây hấn, đâm va, nhận chìm tàu và bắt bớ, đánh đập ngư dân của Việt Nam, Indonesia, Philippines, tăng cường tập trận và bắn đạn thật trên Biển Đông, luôn để các vũ khí, pháo ở chế độ sẵn sàng… chính là minh chứng hùng hồn và rõ ràng nhất cho việc sẵn sàng sử dụng vũ lực của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ giải pháp giải quyết tranh chấp hòa bình nào hay bất cứ giải pháp thông qua bên thứ ba hoặc tài phán cho vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, mặc dù đã được các quốc gia khác đã nhiều lần đề xuất. Điển hình nhất là Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài quốc tế, một mực khẳng định Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 không có thẩm quyền đối với vụ việc này, không chấp nhận Phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra.

2. Chính sách trái với các quy định của Tuyên bố Cairo năm 1943, Tuyên bố Potsdam năm 1945 và Hiệp ước San Francisco năm 1951

Tuyên bố Cairo năm 1943 khẳng định Nhật Bản chỉ chiếm Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ của Trung Quốc và buộc Nhật Bản phải trả cho Trung Quốc những vùng lãnh thổ này. Tuyên bố không coi hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, và vì vậy, không nói gì đến việc trao trả lại cho Trung Quốc.

Tuyên bố Potsdam năm 1945 quy định về vấn đề trao trả lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đóng cho các nước. Tuyên bố cũng yêu cầu Nhật Bản phải trả lại Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ cho Trung Quốc, không có nội dung nào trong Tuyên bố Postdam coi quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị Nhật Bản chiếm là của Trung Quốc, và phải trả lại cho Trung Quốc.

Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 quy định tại Điều 2, điểm b: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, mọi danh nghĩa và mọi yêu sách với Formosa (Đài Loan) và Pescadores (Bành Hồ)”; và tại Điều 2, điểm f: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, mọi danh nghĩa và mọi yêu sách đối với vùng đảo Hoàng Sa và vùng đảo Trường Sa”. Tuy không cụ thể, nhưng có thể hiểu các vùng lãnh thổ liên quan đến quốc gia nào thì sẽ được thể hiện trong một điều khoản riêng. Trong đó, Formosa và Pescadores thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được sắp xếp tại hai điều khoản khác nhau (Khoản b và Khoản f). Điều này có ý nghĩa cộng đồng quốc tế không công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.

3. Chính sách trái với các quy định của UNCLOS 1982, DOC 2002

i) Trung Quốc nêu yêu sách về quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán qua “đường chín đoạn” chiếm gần 80% diện tích Biển Đông. Trong phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài đã tuyên bố “Các yêu sách về quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Biển Đông nằm trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý vì chúng vượt quá giới hạn về địa lý và thực tế của các vùng biển Trung Quốc được hưởng theo UNCLOS”, và Tòa cũng tuyên bố rằng “UNCLOS đã xóa bỏ bất cứ quyền lịch sử hoặc quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn được quy định trong UNCLOS”.

Về quy chế pháp lý của đảo và quần đảo, Trung Quốc đã có các hoạt động cải tạo đảo và xây dựng các đảo nhân tạo, công trình và các cấu trúc trên Biển Đông, biến các cấu trúc chìm ở đây thành những căn cứ quân sự nổi một cách phi pháp. Đối chiếu với UNCLOS 1982 có thể thấy các đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên Biển Đông hầu hết đều không đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 121 UNCLOS 1982 nên không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như nước này đã tuyên bố. Các yêu sách đều bị nhiều quốc gia phản đối và trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài cũng đã đưa ra kết luận, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc: Bãi Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây là các bãi lúc nổi lúc chìm không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và không phải các cấu trúc có khả năng chiếm hữu; Đá Xu Bi, Đá Ga Ven phía Nam, Đá Huy Gơ là các bãi lúc nổi lúc chìm không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và không phải các cấu trúc có khả năng chiếm hữu nhưng có thể dùng làm đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của các cấu trúc nổi nằm trong khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải; Bãi Scarborough, Đá Ga Ven phía Bắc, Đá Ken Nan, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập là đá trong điều kiện tự nhiên không có khả năng có con người cư trú và điều kiện kinh tế riêng, theo nghĩa của Điều 121(3) UNCLOS, do đó không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Không những vậy, việc Trung Quốc vươn cánh tay rộng lớn ra Biển Đông trên cả vùng biển lẫn vùng trời đã tạo ra mối đe dọa lớn về an toàn, ổn định hàng hải và hàng không của các nước, vi phạm quy định tại Điều 3 của DOC. Việc Trung Quốc ban hành Bản sửa đổi Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam cũng như bồi đắp, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc, tiến hành một loạt các hoạt động đơn phương ở Biển Đông, đe dọa đến an ninh, ổn định ở khu vực đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo Điều 5 DOC về kiềm chế không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, không làm thay đổi nguyên trạng. Bên cạnh đó, với các hành động như đâm chìm tàu và bắt bớ ngư dân, không cho ngư dân các nước tránh trú bão,… Trung Quốc không những vi phạm các quyền cơ bản của người được đề cập trong bộ luật nhân quyền quốc tế mà còn phá vỡ các cam kết về hoạt động tìm kiếm cứu nạn được quy định trong Điều 6 DOC.

ii) Yêu sách “đường cơ sở của Trung Quốc” đi ngược lại các quy định của UNCLOS 1982. Trong Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 15/5/1996, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở bộ phận lãnh hải đại lục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đường cơ sở lãnh hải quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa). Trong khi Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo nhưng lại áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo để vạch đường cơ sở cho các vùng đảo xa bờ, bao lấy là một khu vực rộng 17000 km2, trong khi tổng diện tích các đảo nổi của quần đảo Hoàng Sa là 10km2. Ngoài ra, hầu hết các đá, bãi san hô mà Trung Quốc sử dụng ở đây cách xa nhau quá 24 hải lý, không đáp ứng tiêu chí của UNCLOS.

iii) Chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển của Trung Quốc như Luật Ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1986 (sửa đổi ngày 31/10/2000); Luật Tài nguyên khoáng sản ngày 19/3/1986, đã xâm phạm nghiêm trọng quyền thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực Biển Đông đã được UNCLOS năm 1982 ghi nhận. Bất chấp các quy định của Luật biển quốc tế hiện đại về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên trên biển, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các hoạt động lấn biển, nạo vét, san lấp và cải tạo với quy mô lớn đồng loạt trên nhiều thực thể do quốc gia này chiếm đóng trên Biển Đông, gây nên những tổn hại nghiêm trọng, không thể phục hồi đối với hệ sinh thái san hô. Tòa trọng tài ngày 12/7/2016 đã tuyên bố Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Điều 123, 192, 194(1), 194(5), 197 và 206 của UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, các chính sách và hành động của Trung Quốc cũng vi phạm một loạt các điều ước, thỏa thuận quốc tế khác trong lĩnh vực biển đảo mà Trung Quốc là thành viên, trong đó có: Công ước bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới việc để các hành động do Trung Quốc kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác, không thực hiện nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường; Công ước COLREG 1972 và Công ước SAR 1979 liên quan đến việc tạo ra những mối rủi ro nghiêm trọng cũng như sự nguy hiểm cho các tàu bè và ngư dân các nước láng giềng hoạt động trong khu vực Biển Đông.

Như vậy, chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông đều trái với quy định của hệ thống pháp luật quốc tế, luật biển quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua nghiên cứu chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông một cách khoa học, hệ thống, chuyên sâu mới thấy được dã tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm, kiểm soát Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới