Các chủ doanh nghiệp và công dân Trung Quốc ở Myanmar tìm cách trở về quê nhà khi cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng lan rộng.
Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar
Xiang Jun mất hơn 2 năm và gần 1,2 triệu USD để mở các nhà máy may mặc ở Myanmar. Nhưng bây giờ người đàn ông 36 tuổi khao khát được rời khỏi đất nước này.
“Mỗi ngày, tiếng súng vang lên không dứt”, Xiang, doanh nhân từ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, chia sẻ.
Hơn một tháng sau cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar, các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng an ninh vẫn tiếp tục diễn ra. Hơn 200 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ, theo SCMP.
Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Trung Quốc, rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, khi trở thành mục tiêu của người biểu tình. Nhiều người Myanmar phản đối đảo chính tin rằng Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự.
Xiang đã chứng kiến người biểu tình giận dữ đốt phá các nhà máy do người Trung Quốc vận hành. Nhà máy của Xiang cũng không phải ngoại lệ.
Các khu nhà của bạn bè Xiang đều bị đột nhập. Ô tô của họ cũng bị đốt phá. Trong 3 ngày qua, Xiang và 7 người Trung Quốc khác đã phải trốn tại một trong số các nhà máy của anh ở quận Hlaing Tharyar – một khu công nghiệp ở ngoại ô Yangon. Họ sống nhờ gạo và rau do các nhân viên bản địa mang tới hàng ngày.
Xiang và các đồng hương đã đề nghị lãnh sự quán Trung Quốc đưa họ về nước.
“Tôi thực sự hy vọng chính quyền Trung Quốc có thể làm gì đó. Chúng tôi sẽ không rời đi nếu chúng tôi không buộc phải làm như vậy”, Xiang nói.
Trung Quốc rơi vào thế bấp bênh
Theo Washington Post, việc các doanh nghiệp Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công càng cho thấy tình thế khó xử của Bắc Kinh với cuộc đảo chính tại Myanmar. Việc không công khai lên án hoặc trừng phạt quân đội Myanmar khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu giận dữ của công chúng Myanmar.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc công khai chỉ trích đảo chính, mối quan hệ giữa quân đội Myanmar và Bắc Kinh sẽ kết thúc. Khi đó, Trung Quốc cũng đi ngược lại với lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Ngày 14/3, tình hình bạo lực diễn biến xấu hơn ở Hlaing Tharyar, nơi có hàng trăm nhà máy may mặc do các công ty từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước khác vận hành. Các lực lượng an ninh đã nổ súng vào người biểu tình, trong đó có nhiều người là dân nhập cư và lao động nghèo từ nhiều khu vực ở Myanmar. Ít nhất 60 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ hôm 14/3.
Mya May Thein, giám đốc một nhà tang lễ ở nghĩa trang gần Hlaing Tharyar, cho biết hơn 100 đám tang đã được tổ chức vào 2 ngày 16-17/3, trong đó nhiều thi thể có vết đạn. Ngày 16/3, ít nhất 6 người chết sau khi một ông chủ nhà máy Trung Quốc kêu gọi lực lượng an ninh can thiệp để trấn áp biểu tình.
Các công nhân Myanmar từng dọa sẽ đốt các nhà máy của Trung Quốc nếu lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình. Một nhiếp ảnh gia của tạp chí Frontier Myanmar cho biết đã nhìn thấy biểu ngữ có dòng chữ: “Nếu máu của một người dân Hlaing Tharyar rơi xuống đất, một nhà máy Trung Quốc sẽ phải cháy”.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ít nhất 32 nhà máy do Trung Quốc rót vốn đã bị tấn công, với thiệt hại lên tới 37 triệu USD.
Trung Quốc bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã biết trước cuộc đảo chính tại Myanmar. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, đại diện Trung Quốc nói rằng cuộc đảo chính không phải những gì Bắc Kinh “muốn thấy”. Trung Quốc cũng kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng và ký vào tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Myanmar.
Sau khi Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng, nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện và gần gũi không chỉ giữa hai nước, mà còn giữa chính quyền Bắc Kinh với đảng của bà Suu Kyi.
Bà Suu Kyi cũng nỗ lực xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Trước khi đảo chính xảy ra, Trung Quốc và Myanmar đã hợp tác trong nhiều dự án tỷ đô, bao gồm một cảng nước sâu với tầm quan trọng chiến lược, một khu kinh tế, một khu công nghiệp ở Yangon – trung tâm thương mại của Myanmar.
Tuy nhiên, sau khi bà Suu Kyi bị quân đội bắt giữ trong cuộc đảo chính, các dự án của Trung Quốc cũng rơi vào thế bấp bênh.
Các công dân Trung Quốc tại Myanmar đang cảm thấy bị bao vây. Các công ty Trung Quốc phải thuê thêm bảo vệ có vũ trang để đảm bảo an toàn. Người quản lý của một nhà máy dệt may Trung Quốc ở Mandalay cho biết công ty này đã sắp xếp cho hơn 270 nhân viên về nước.
Tuy nhiên, chặng đường hồi hương của các công dân Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn. Họ phải xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Trung Quốc. Ngoài ra, việc tìm chuyến bay, thậm chí đến được sân bay ở Yangon cũng không dễ dàng.
“Mọi người đều nghĩ đến việc rời đi, nhưng không có cách nào”, Wang, quản lý một nhà máy dệt may thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc ở Yangon, cho biết.
Wang nói rằng cơ sở sản xuất của công ty đã bị đốt cháy và mọi hoạt động phải dừng lại.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch rời đi. Chắc chắn là như vậy”, một quản lý khác cho biết.
Khi tiếng súng ngớt dần hôm 14/3, A Kyi Kyaung, người biểu tình 26 tuổi sống cùng gia đình ở Hlaing Tharyar, đã nghe thấy tiếng hô mọi người trong khu vực đốt phá một nhà máy may mặc của Trung Quốc gần đó.
“Những thi thể và người bị thương nằm trên đường phố. Tôi không biết ai kêu gọi chúng tôi đốt nhà máy gần đó, nhưng chúng tôi đã hành động trong sự giận dữ và đau buồn”, Kyaung nói.
A Kyi Kyaung và những người biểu tình khác biết rằng hành động của họ càng khiến quân đội trấn áp mạnh tay hơn. Đó là lý do khiến nhiều khu vực ở Yangon bị áp lệnh thiết quân luật hôm 14/3. Các mặt hàng thiết yếu như trứng và thịt trở nên khan hiếm khi người bán đã rời đi. Nhiều lao động nhập cư cũng bỏ về quê nhà.
Tuy nhiên, A Kyi Kyaung nói rằng anh ta không hối tiếc khi hành động như vậy. Người biểu tình muốn xua đuổi các công ty Trung Quốc và nước ngoài ra khỏi Myanmar, coi đó là cách để tách động tới nguồn lực kinh tế và làm suy yếu quyền lực của quân đội.