Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Vùng xám trên cạn”

“Vùng xám trên cạn”

Nôm na, “chiến thuật vùng xám”chỉ một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích về lãnh thổ, mà không dùng lực lượng quân sự quy mô và trực tiếp. Nhiều năm nay, Trung Quốc sử dụng chiến thuật này nhằm độc chiếm Biển Đông. Gần đây, nó còn được Bắc Kinh sử dụng để lấn chiếm lãnh thổ trên đất liền.

Cao nguyên Doklam – nơi Trung Quốc đang triển khai “chiến thuật vùng xám”

Nạn nhân là những quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc. Việt Nam may mắn đã hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc  từ năm 2008 – sự kiện được truyền thông nhà nước Việt Nam đánh giá là “có ý nghĩa trọng đại”. Mà trọng đại thật, bởi nếu quá trình đàm phán vấn đề này mà có chuyện gặp trở ngại, Việt Nam còn sẽ mệt mỏi hơn với anh bạn láng giềng to vật, tham lam, lúc nào cũng cậy khỏe, cậy đông nhòm ngó, sểnh là thò chân sang phần lãnh thổ của người khác khua khoắng.

Vẻ như thấy hiệu quả thực tế của chiến thuật lầm lũi này trên Biển Đông, Trung Quốc, thời gian gần đây đưa nó lên cạn, cụ thể là tại những khu vực tranh chấp với Ấn Độ và Bhutan.

 Ấn Độ luôn cảnh giác với ông bạn láng giềng 1,4 tỷ dân của mình. Vậy mà vẫn bị hớ, để khi phát hiện ra, thì sự đã rồi. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, một ngôi làng mới với khoảng trăm ngôi nhà đã được Trung Quốc xây ở vùng Arunachal Pradesh, lấn 4,5 km sang lãnh thổ Ấn Độ theo Đường kiểm soát thực tế. Một ngôi làng khác có tên là Pangda, được hoàn thành với 27 hộ gia đình với 124 khẩu chuyển đến, lấn sâu hơn 1 km bên trong khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng Bhutan đang kiểm soát, cũng là nơi cả Bhutan, Ấn Độ, Trung Quốc đang tranh chấp.

 Và từ hai cái làng cụ thể này, mới rò rỉ thêm về việc Trung Quốc không chỉ xây lẻ tẻ vài bốn cái, mà có kế hoạch xây tới gần 700 làng như thế – như trang South China Morning Post đã thông tin vừa qua.

Bhutan – cái tên có nghĩa “quốc gia của Rồng Sấm” –  hàm ý Phật giáo chi phối – nhỏ bé, hiền lành, không bằng lòng, nhưng cũng không lớn tiếng.

Căng thẳng diễn ra chủ yếu giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngoài chuyện cũng là anh tài, cường quốc, thâm thù với Trung Quốc từ cuộc chiến năm 1962 và thi thoảng lại đùng đoàng súng đạn vùng giáp ranh, thêm các tức nữa với Ấn Độ: Mấy cái làng của người Tầu lù lù mọc lên một cách lén lút ở vị trí chiến lược nên cực kỳ nhạy cảm trên cao nguyên Doklam, sát hành lang giao thông duy nhất nối các bang phía Đông Bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. Dại miệng, nếu có sự cố coi như Ấn Độ bị chia cắt.

New Delhi cáo buộc Bắc Kinh làm bậy, ngang ngược, khẳng định Arunachal Pradesh là một bang. Chẳng kém cạnh, thông qua các bài viết trên Hoàn Cầu thời báo, Bắc Kinh lớn tiếng đòi chủ quyền với 90.000 km2 và gọi là Nam Tây Tạng.

Trong khi cuộc đấu khẩu diễn ra, Bắc Kinh vẫn kiên trì, âm thầm, lẫm lũi thực hiện “chiến lược vùng xám” trên cạn một cách đầy thách đố. Họ tiếp tục triển khai xây thêm các làng như trên, với danh nghĩa chương trình xóa đói giảm nghèo và bảo đảm ổn định chính trị tại khu vực Tây Tạng với chi phí tới gần 5 tỷ đô la.

Một thời gian nữa, chưa biết chừng, hiện trạng “vùng tranh chấp” giữa ba bên, nhất là giữa Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ thay đổi đến mức không thể nhận ra. Một khi người Trung Quốc đã “làm ăn, sinh sống bình thường ở đó”, câu chuyện sẽ thêm bội phần phức tạp vì coi như “bản đồ đã vẽ lại”.

RELATED ARTICLES

Tin mới