Trung Quốc và Mỹ cáo buộc nhau làm phức tạp tình hình trên Biển Đông, lâu nay, như “chuyện thường ngày ở huyện”. Cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump và đầu nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ có vẻ “to miệng” hơn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang có phần át Washington.
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trong cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt
ở Biển Đông vào ngày 9/2/2021
Trước tháng 7/2020, Mỹ “nói ít, làm nhiều”, lừ lừ triển khai các hoạt động trên thực địa, nhân danh thực thi “tự do hàng hải” trên Biển Đông. Các lời cáo buộc Trung Quốc từ Washington có, nhưng chưa nhiều, được ví như những tiếng pháo lẻ tẻ, rời rạc.
Bước ngoặt tính từ ngày 13/7/2020 với Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về Biển Đông, trong đó, Ngoại trưởng Mỹ thời ông Trump, là Mike Pompeo hằm hè, cho rằng: Bắc Kinh “không có các cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình tại khu vực”. Đến mức ấy, nghĩa là Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 đoạn” mà họ đơn phương đưa ra và đòi thế giới chấp nhận.
Sau tuyên bố nêu trên, các quan chức Mỹ còn nhiều lần đay lại vấn đề này.
Trung Quốc tất nhiên phản ứng. Chỉ một ngày sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đáp rằng: “Tình hình Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định và đang cải thiện. Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác vẫn duy trì đối thoại và liên lạc thông qua các cơ chế tham vấn về vấn đề hàng hải, đồng thời cùng thúc đẩy hợp tác về vấn đề Biển Đông”.
Không tính các động thái quân sự trên thực địa, rõ là lời lẽ Trung Quốc trong các tháng cuối năm 2020 “dịu dàng” hơn, so với ngôn từ kẻ cả, trịch thượng của cường quốc số 1 bên kia bán cầu – điều ít xảy ra với một cường quốc đang âm mưu lật đổ Mỹ để chỉ huy thế giới.
Câu chuyện có thể giải thích được. Trung Quốc kiềm chế trước việc họ coi Mỹ “phá bĩnh” tình hình Biển Đông – vấn đề có tính “nội bộ” giữa các bên liên quan trong ASEAN, theo Trung Quốc, là có tính toán. Là bởi, nếm nhiều đòn phủ đầu của một tổng thống có tiếng là lập dị, thô lỗ như ông Trump, Bắc Kinh hy vọng, một khi ông Biden – người đàn ông lịch lãm có vài chục năm tham gia chính trường Mỹ, thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2020, câu chuyện sẽ khác. Thế nên, chịu khó kiềm chế, nín nhịn, “ẩn mình chờ thời” chẳng chết ai, là “thượng sách”.
Ông Biden thắng cử. Cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc liên quan câu chuyện Biển Đông có khác chút ít, nhưng xét về độ rắn, chẳng hề kém người tiền nhiệm, với những tuyên bố ngạo mạn, thách thức Bắc Kinh ra mặt. Thậm chí, đầu tháng 2/2021, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon nhân kỷ niệm 70 năm hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung, đã nói: Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định sự công nhận đối với phán quyết của PCA hồi năm 2016 về Biển Đông, xem phán quyết này “là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý”.
Thế là mọi sự đã rõ. Một khi đã hết hy vọng, việc gì còn phải giữ gìn. Như cái lò so bị nén chặt, Bắc Kinh “bung” ra hàng loạt lời lẽ cáo buộc Mỹ trên Thời báo Hoàn cầu, thuộc Nhân dân Nhật báo, vốn là “cái loa” của Bắc Kinh về sự hiếu chiến. Cụ thể, trang này, lần thứ ba, đưa báo cáo của một tổ chức nghiên cứu tập trung vào Biển Đông, lên án Mỹ đã có những động thái quân sự cao nhất, chưa từng có tiền lệ nhằm răn đe Trung Quốc.
Thống kê chưa đầy đủ, năm 2020, Mỹ đã điều khoảng 1.000 lần máy bay do thám để trinh sát Trung Quốc ở cự ly gần, tại Biển Đông. Mỹ cũng đã tăng cường đáng kể tần suất và cường độ các hoạt động do thám khi các tàu mặt nước của họ tiến hành những chiến dịch tự do Hàng hải (FNOP) quy mô lớn, gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Báo cáo cũng nhấn mạnh: Những đối tượng chính trong hoạt động do thám trên không của Mỹ bao gồm các khu vực nhạy cảm dọc theo bờ Biển Đông, đặc biệt là các cơ sở quân sự quan trọng…
Tự mình chưa đủ, Mỹ còn to miệng hô hoán các đồng minh Âu, Á “thể hiện trách nhiệm” ở Biển Đông – kiểu mà Trung Quốc giận dữ, bất mãn, gọi đó là “kéo bè, kéo cánh”: tập trận song phương và đa phương với Nhật Bản và Australia ở Biển Đông; cổ xúy Pháp, Anh, Đức điều chiến hạm tới vùng biển này; hoan hỷ trước việc ba cường quốc nêu trên cùng gửi công hàm tới LHQ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc…