Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiRút củi đáy nồi

Rút củi đáy nồi

Sau khi bị mất mặt tại cuộc gặp gỡ giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc tại bang Alaska (Mỹ), Trung Quốc đã lại tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Ấy là kinh nghiệm từ thời thượng cổ của người Tầu. Nói theo ý cụ Khổng Tử là, mềm như nước mới thắng được lửa.

Chả là trước đó, trong hai ngày 18 và 19/3 đã diễn ra cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc. Phía Bắc Kinh có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách công tác đối ngoại và Ngoại trưởng Vương Nghị. Phía Washington có Ngoại trưởng Antony Blinken.

Cuộc đấu khẩu giữa hai bên thật sự căng thẳng, do bất đồng quan điểm, do đó không đi đến một Tuyên bố chung, cũng chẳng tạo ra bước đột phá nào. Theo mô tả của báo chí Mỹ, cuộc đối thoại diễn ra “trực diện và quyết liệt”. Cố nhiên, phía Trung Quốc nói vớt vát, cuộc hội đàm “mang tính xây dựng và có ích, nhưng tất nhiên vẫn có những bất đồng”.  Rõ ràng cái hố ngăn cách giữa hai “hổ lớn” lẽ ngày càng lớn. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không dễ gì xoa dịu.

Ngay trong ngày kết thúc cuộc cãi vã giữa đôi bên, ngày 19/3, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kathleen Hicks tuyên bố: Hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua đã đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Thêm một đòn chí mạng, bà thứ trưởng nhấn mạnh: Lầu Năm Góc sẽ tập trung bảo đảm mọi điều kiện để quân đội Mỹ có thể đối phó thách thức từ Trung Quốc.

Thế nhưng, dư âm tại phòng họp còn đang nóng rực, các hãng truyền thông quốc tế còn đang truyền tin rần rần về thái độ cứng rắn của chính quyền Joe Biden với cả Trung Quốc và Nga, thì bỗng nhiên Bắc Kinh thay đổi thái độ. Thái độ này giống như một kịch bản đã tính toán trước.

Hôm 20/3 tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin: Trung Quốc và Mỹ sẽ hợp sức để hành động về một vấn đề lớn, cụ thể sẽ thành lập một nhóm làm việc chung về vấn đề biến đổi khí hậu. Choáng! Nhân khi dịch Covid-19 đang hoành hành, họ chẳng thèm bắt tay nhau khi tan cuộc. Nhưng rồi, vừa mới cãi nhau sa sả, đã bắt tay “hợp tác” ngay được!

Cam kết Trung-Mỹ có nội dung: “Tăng cường trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”. Đúng là bàn về ứng phó với biển đổi khí hậu thì chả liên quan gì đến chính trị, nhất là vấn đề tranh chấp Biển Đông đang nóng sôi sùng sục.

Nhắc lại về sự kiện Alaska, Tân Hoa Xã uốn éo: “Hai bên nhất trí sẽ duy trì đối thoại và liên lạc, hợp tác cùng có lợi, tránh hiểu lầm và đánh giá sai lệch, cũng như xung đột và đối đầu, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc – Mỹ”. Rằng, sắp tới, Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc hội đàm để tăng cường hiểu biết và tin cậy; để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà ngoại giao và cơ quan lãnh sự của hai nước.

Chẳng phải bây giờ, chuyện “cãi nhau” giữa hai người khổng lồ đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, lần sau căng thẳng hơn lần trước. Năm 2020, ở thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung dâng cao như lũ tràn bờ, hai nước đã trục xuất các nhà báo. Mỹ còn mạnh tay hơn, đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston. Sau đó, Trung Quốc cũng đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Cãi nhau rồi làm lành. Làm lành hay là thái độ của một kẻ ở thế yếu? Đối với những quốc gia nhỏ bé hơn mình, bao giờ Trung Quốc cũng tỏ mặt nước lớn, muốn thiên hạ phải làm chư hầu cho mình. Còn nhớ một sự kiện vào năm 2010, trong một cuộc làm việc tại Hà Nội, Việt Nam, có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc đã chỉ mặt đại diện Singapore và Việt Nam: “Các anh là gì? Các anh vạn đời chỉ là những nước nhỏ!”. Rồi ông ta giận dữ bỏ ra ngoài.

Cãi nhau rồi làm lành. Nhưng thiên hạ thì biết tỏng “tình yêu” của Mỹ và Trung Quốc không bao giờ hàn gắn được do mâu thuẫn lợi ích rất lớn – mâu thuẫn làm “Chúa sơn lâm” trong rừng thế giới. Cho nên cũng chẳng mấy ai quan tâm tới cái việc “rút củi đáy nồi” của ông trùm bành trướng Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới