Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐiều gì xảy ra tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Trung...

Điều gì xảy ra tiếp theo trong quan hệ Mỹ – Trung sau cuộc gặp ở Alaska?

Quan hệ Mỹ – Trung sẽ diễn biến như thế nào sau cuộc gặp cấp cao ở Alaska với nhiều tranh cãi và những bất đồng không thể hóa giải?

 

Cuộc gặp cấp cao ở Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 18/3.

Triển vọng cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình thêm lu mờ

Cuộc khẩu chiến công khai giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc về hàng loạt vấn đề như Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không thúc đẩy thêm các cuộc gặp ở cấp cao hơn nữa, các nguồn tin và các nhà phân tích Trung Quốc cho hay.

Trên thực tế, việc Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập được một nhóm làm việc song phương hợp tác về các vấn đề biến đổi khí hậu, có thể mở đường cho sự hợp tác rộng rãi hơn trong tương lai, nhưng các nhà quan sát tin rằng cơ hội cho một cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trong tương lai gần trở nên rất mong manh.

Jia Qingguo, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Peking nhận định, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước không thể nào xảy ra ở thời điểm hiện tại bởi hai bên cần nhiều thời gian hơn để nhìn lại cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung ở Alaska hồi tuần trước giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và quan chức ngoại giao cấp cao Dương Khiết Trì.

Trung Quốc và Mỹ – hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chiếm khoảng 43% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia phát triển tìm kiếm các dấu hiệu hành động từ phía Mỹ thì các nước đang phát triển muốn thấy sự thay đổi từ phía Trung Quốc. Do đó, theo Wall Street Journal, dựa trên thỏa thuận nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu, một cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vẫn có thể xảy ra.

Trước đó, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đề nghị rằng hai bên sẽ gặp nhau vào Ngày Trái Đất (22/4).

Chuyên gia Jia đánh giá, một cuộc gặp trực tiếp gần như là bất khả thi nhưng một cuộc gặp trực tuyến thì có thể diễn ra.

“Mối quan hệ này chỉ cải thiện và trở nên ổn định khi hai bên cố gắng thúc đẩy bầu không khí hợp tác và làm việc với nhau hiệu quả trong những khía cạnh mà họ có lợi ích chung”, giáo sư Jia đánh giá.

“Một cuộc gặp trực tuyến sẽ thuận lợi hơn mặc dù điều này không thể thay thế được những cuộc thảo luận trực tiếp, nơi mà các nhà lãnh đạo có thể trao đổi với nhau một cách nghiêm túc và cụ thể hơn”.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi ở Alaska nhận định, Chủ tịch Tập Cận Bình không có kế hoạch thăm Mỹ, đồng thời cho biết: “Ông Tập rất bận rộn với các vấn đề trong nước”.

Shi Yinhong, một cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng loại trừ khả năng về cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập và ông Biden trong tương lai gần.

“Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định rằng hội nghị cấp cao ở Alaska chỉ là cuộc gặp một lần và những cuộc gặp sau đó chỉ xảy ra sau khi Trung Quốc nhượng bộ về vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương”, cố vấn Shi cho hay.

“Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào trong những vấn đề cụ thể liên quan đến các lợi ích cốt lõi của quốc gia”.

Bất chấp những tranh cãi trong ngày đầu tiên của cuộc trao đổi tại Alaska hôm 18/3, trang thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc hôm 20/3 đã đánh giá rằng cả hai quốc gia đều thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, với vấn đề biến đổi khí hậu, những cuộc thảo luận trong hội nghị ở Alaska đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm việc của các phải đoàn ngoại giao và truyền thông hai nước.

Dù vậy, ngoại trừ vấn đề biến đổi khí hậu, những vấn đề khác được Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đều không được phía Mỹ đề cập, ông Shi cho hay.

Anchorage không phải Sunnyland

Việc hội nghị cấp cao Mỹ – Trung không dẫn đến bất kỳ thỏa thuận nào hay cũng không đặt ra chương trình nghị sự cho sự hợp tác tương lai, chứ chưa nói tới ngày giờ cụ thể cho hội nghị Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình, đã cho thấy Anchorage – nơi diễn ra cuộc gặp này không phải là Sunnyland thứ hai – nơi từng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp năm 2013 giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Trung này cùng một số hội nghị khác đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015.

Tuy nhiên, tinh thần của hội nghị Sunnyland không kéo dài lâu và vào thời điểm ông Trump nhậm chức, quan hệ Mỹ – Trung đã lao dốc trên hàng loạt vấn đề, trong đó có chính sách công nghiệp, gián điệp mạng và quyền sở hữu trí tuệ.

Cuộc gặp ở Anchorage đã cho thấy sự xuất hiện của một ranh giới mới trong quan hệ hai bên, đó là sự hợp tác có chọn lọc hơn và bác bỏ mọi mong đợi rằng hợp tác sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quan hệ Mỹ – Trung.

Điều gì xảy ra tiếp theo sau cuộc gặp ở Alaska?

Mỹ có thể sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề trong nước và thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ với các đồng minh truyền thống. Tổng thống Biden đã tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ của ông với các đồng minh châu Âu và NATO tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước.

Ông Biden cũng thể hiện ý định sẽ hợp tác chặt chẽ với Quad (Đối thoại An ninh của Bộ Tứ Kim cương) ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của các nước thành viên Quad – Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ngày 12/3 là dấu hiệu cho thấy điều này có thể trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden.

Pháp và Anh cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với Quad để tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trên biển và các chiến dịch tự do hàng hải.

Ngoài ra, theo tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh, Quad đang mở rộng sự hợp tác trong những lĩnh vực như sức khỏe, công nghệ và thương mại, cũng như tìm cách “duy trì hòa bình, thịnh vượng và thúc đẩy dân chủ dựa trên các giá trị phổ quát”.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bận rộn với các chương trình nghị sự trong nước trong những năm tới. Tháng 7/2021 là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và năm sau, nước này sẽ là nước đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông.

Năm 2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20, một sự kiện 5 năm tổ chức 1 lần. Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng, bởi nó có ý nghĩa tái khẳng định những tham vọng của ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ kế tiếp với vai trò là Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Những sự kiện trong nước này sẽ chiếm phần lớn sự tập trung của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Theo Giáo sư Bert Hofman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Á – Âu, Đại học Quốc gia Singapore, việc cả hai nước tập trung vào các vấn đề trong nước không phải là điều xấu miễn là sự trao đổi ở cấp thấp hơn giữa Mỹ và Trung Quốc vấn tiếp tục diễn ra, đặc biệt trong những lĩnh vực như quân sự, nơi mà nguy cơ xung đột có thể gia tăng khi hai nước tăng cường hoạt động trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới